Chờ...

Tội phạm sử dụng công nghệ cao: Những biến tướng khó lường

(VOH) - Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng Internet toàn cầu, tội phạm công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Chúng có thể tấn công vào mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng của ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức để lấy cắp thông tin và trộm cắp tài sản. Đáng chú ý, có không ít những tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, trộm cắp, thậm chí giết người… gây nên những hệ lụy, biến tướng cho xã hội. 

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Chúng thâm nhập vào đời sống dân sinh để lừa đảo dưới mọi hình thức, chiêu trò, mánh khóe trên tất cả các lĩnh vực. Không cần phải đạt đến trình độ “hacker” để đánh cắp dữ liệu, tài sản trực tuyến, chỉ cần biết sử dụng smartphone, facebook… là đối tượng xấu có thể lợi dụng mặt trái của công nghệ để gây án.

Từ vụ “ông chú Viettel” đến việc giả danh lực lượng chức năng gọi điện kiểm tra tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền; “Hack facebook” nhờ mua thẻ cào; Lừa tin nhắn trúng thưởng hay thậm chí giết tài xế, cướp tài sản thông qua việc đặt xe bằng ứng dụng công nghệ… Những sự việc “đau lòng” trên xảy ra thường xuyên trong thời gian qua. Khi lực lượng chức năng phát hiện, chúng ta mới thấy nhiều “biến thể” khác nhau của tội phạm công nghệ cao. Phát biểu tại triển lãm Smart IOT Vietnam, ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng đa phần tội phạm lợi dụng bản chất của Internet khi được thiết lập là không đòi hỏi phải xác định danh tính thật của người sử dụng. Và đồng thời lợi dụng nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dùng tiến hành các biện pháp lừa đảo”

Tội phạm sử dụng công nghệ cao, biến tướng

Hình minh họa: internet

Hiện nhiều loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ cao để “hoạt động”. Từ trộm cắp; lừa đảo; tống tiền; nghe lén, đánh bạc, cá độ bóng đá; buôn bán hàng cấm; rửa tiền… thậm chí kích động, chống phá nhà nước. Đa phần người dân “trúng bẫy” là do lòng tham hoặc thiếu hiểu biết mà nên. Trong khi đó, đặc thù của loại tội phạm này là tính quốc tế và hội nhập nhanh, do đó tác động mạnh đến tình hình phạm tội.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Việt Nam có gần 30 triệu người sử dụng Internet (chiếm 1/3 dân số, cao hơn mức bình quân của thế giới), 180 ngàn tên miền Việt Nam (tức .vn) được đăng ký, 115 triệu thuê bao điện thoại di động, 15 triệu thuê bao điện thoại cố định. Sự phát triển của công nghệ trở thành một lĩnh vực “béo bở” mà các đối tượng xấu có thể khai thác. Thủ đoạn lừa đảo của chúng ngày một đa dạng, tinh vi, đòi hỏi mọi người phải tăng cường cảnh giác và biết cách bảo vệ.

Chỉ trong 2 năm 2017, 2018 đã xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Điển hình như việc hơn 400 tài khoản ngân hàng Agribank bị xâm nhập và có hơn 10 tài khoản bị mất từ 10-24 triệu đồng dù đã báo khóa thẻ ATM xảy ra vào tối muộn ngày 25/4/2018; vụ 2 hacker nhí 15 tuổi đánh sập hệ thống điều hành của sân bay Tân Sơn Nhất và thay đổi giao diện cả một loạt trang web của các sân bay vào tháng 3/2017; Hay mới đây nhất là vụ một hacker tuyên bố đã lấy được tài liệu của hơn 5 triệu khách hàng Thế Giới Di Động… Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Chi hội Phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin VN nhận định:

Băng ông Ngô Vi Đồng “Khi mà các thiết bị di động cá nhân phổ cập đến độ ai cũng có thể trang bị cho mình một máy tính xách tay, một chiếc điện thoại di động thì vấn đề bảo mật an toàn thông tin là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Ở đây không chỉ trong cơ quan, doanh nghiệp mà trong mỗi người dân phải quan tâm vấn đề đó. Đây cũng là cảnh báo về việc tấn công cơ sở dữ liệu cá nhân để mà lấy trộm hoặc là ăn cắp tài sản cá nhân. Đấy là cái mà chúng ta phải quan tâm”

Với xu thế của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh. Ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông Tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua nhiều hoạt động. "Quốc hội cũng đã thông qua Luật An Ninh Mạng và gần đây nhất là Luật Báo chí sửa đổi. Đồng thời thì Chính phủ cũng ban hành Nghị định 72, quy định quản lý Internet. Chúng tôi cũng chia sẻ như vậy để chúng ta phòng tránh” - Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, chúng ta cần phải chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường xử phạt nghiêm minh hơn nữa để mang tính răn đe.

Ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho rằng: Các cá nhân phải có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng cách bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Những điều tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. “Chúng tôi cũng khuyến cáo là người sử dụng nên chủ động phòng tránh trước. Chúng ta có thể hạn chế cho người lạ sử dụng điện thoại của mình bởi vì có thể bị cài đặt các phần mềm độc hại. Thứ hai là nên cài đặt phần mềm từ những kho ứng dụng chính thống. Và thứ ba là các mã độc, phần mềm gián điệp không thể nhận biết bằng mắt thường nên cần phải dùng phần mềm diệt virus thường trực như trên máy tính để phòng tránh”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng: Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại mặt tích cực lẫn tiêu cực. Điều quan trọng là mỗi người phải nhận biết những “biến tướng” của loại tội phạm này để có phương pháp đấu tranh, phòng chống. Hãy tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp nhận và phổ biến những âm mưu xấu độc có sử dụng yếu tố công nghệ để kịp thời tố giác tội phạm. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm mà người dân và các cơ quan chức năng cần chung tay để đẩy lùi những “mặt trái” của công nghệ.