Tốt nghiệp Trung cấp - Cao đẳng có thể thi liên thông ngay lên CĐ hay ĐH

(VOH) - Thí sinh tốt nghiệp Trung cấp - Cao đẳng (TC-CĐ) có thể thi liên thông ngay lên CĐ hay Đại học (ĐH) bằng hình thức tham dự kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi do nhà trường tự tổ chức.

Đây là điểm mới nhất trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 55 về đào tạo liên thông mà Bộ vừa công bố đã nhận được sự ủng hộ của người học và xã hội.

So với Thông tư 55 được Bộ GD-ĐT ban hành cách đây 2 năm, thì sinh tốt nghiệp TC, CĐ dưới 36 tháng phải tham gia kỳ thi ba chung, những sửa đổi được đề cập trong dự thảo lần này được xem là "cởi trói cho đào tạo liên thông", giúp người học dễ dàng tiếp cận với các bậc học cao hơn.

Ảnh minh họa: PLXH

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng, những nội dung sửa đổi trong dự thảo phù hợp với xu hướng đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Từ đó mở ra cơ hội cho các em tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dưới 36 tháng có đến hai sự lựa chọn. Thực tế, trong hai năm qua Thông tư 55 đã là "điểm nghẽn" trong công tác tuyển sinh hệ liên thông. Nguyên nhân chính yếu là do các em đã học 2 năm trung cấp hoặc 3 năm cao đẳng, kiến thức phổ thông đã quên gần hết nên dù có đăng ký thi theo kỳ thi 3 chung, kết quả cũng sẽ không như mong muốn.

Ông Tuấn dẫn chứng thêm, năm 2012 trước khi áp dụng Thông tư 55, có đến 7.000 thí sinh đăng ký thi liên thông trong khi chỉ tiêu của trường là 1.500. Đến khi áp dụng Thông tư này, mỗi năm trường chỉ tuyển được khoảng 400 em dù chỉ tiêu không thay đổi. "Với dự thảo sửa đổi lần này, hy vọng nguồn tuyển các trường được dồi dào hơn. Thứ hai là cơ hội các em tốt nghiệp dù dưới 36 tháng hay trên 36 tháng, tuỳ vào sức học phổ thông của mình các em muốn lựa chọn phương thức thi nào cũng thuận tiện hết. Như vậy sửa đổi sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay” - Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng tư vấn tuyển sinh – truyền thông, trường ĐH Công nghệ TPHCM phấn khởi cho rằng, dự thảo cũng tạo ra nhiều cơ hội cho người học lựa chọn hơn: "Qua hai đợt tuyển sinh vừa rồi nhận thấy được rằng, nếu như các em đã tốt nghiệp cao đẳng, sau đó thi lại các môn Toán, Lý, Hóa tương đối khá vất vả cho các em. Có dự thảo lần này, mình nghĩ cũng là cách tạo cho các em có nhiều sự lựa chọn hơn. Em nào muốn thi theo kỳ thi THPT quốc gia cũng có cơ hội. Còn nếu em muốn thi theo môn chuyên ngành, cơ sở ngành thì cũng có thể thi tại trường tổ chức thi liên thông”.

Có thể nói, với những bất cập trong việc thực hiện Thông tư 55 trong hai năm qua, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và kỳ thi THPT quốc gia sắp tới… đã buộc Bộ GD-ĐT phải chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với người học mà còn là “phao cứu sinh” cho các trường trung cấp, cao đẳng đang lay lắt vì thiếu hục người học trong thời gian dài.

Theo thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Đông Dương, các trường trung cấp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh lẫn đào tạo. Vì vậy, nên tạo điều kiện học tập cho các em, Bộ chỉ nên siết chỉ tiêu, quản lý chặt chẽ nội dung chương trình đào tạo.

Còn đối với trường CĐ Đại Việt, do số thí sinh đăng ký thi rất ít có những ngành nghề không đủ học sinh để mở lớp. Ths Lê Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc tuyển sinh liên thông thuận lợi sẽ tạo ra tính liên tục trong việc tiếp thu kiến thức học tập bởi người học có động lực phấn đấu: “Nếu điều kiện liên thông thuận lợi sẽ tạo cơ hội cho những em vừa thích đi học vừa thích đi làm, tức là học xong trung cấp rồi đi làm, vừa làm vừa học bậc liên thông rất thuận lợi. Trong quá trình vừa học vừa làm, các em sẽ phát hiện trong bậc học của mình có những điều phù hợp với năng lực sở thích, các em sẽ chọn tiếp liên thông cao đẳng hay đại học, vừa có tính kế thừa vừa không mất thời gian. Đây cũng là một lựa chọn nếu như thí sinh và phụ huynh hiểu được, hướng mở rất rộng đối với hệ liên thông. Nó sẽ tạo được nguồn tuyển lớn cho các trường, đối với học sinh cơ hội cũng rộng mở”.

Tuy nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía các trường, nhất là từ phía người học, thế nhưng điều mà chuyên gia giáo dục lo lắng ở việc sau khi các trường được “cởi trói” thì việc đào tạo hệ này có đảm bảo chất lượng, hay lại rơi vào tình trạng bát nháo, mất kiểm soát khiến Bộ buộc phải ban hành Thông tư 55 như trước đây?

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM bày tỏ băn khoăn: “Không nên để cho việc đào tạo liên thông quay trở về thời kỳ thiếu kiểm soát như trước đây, cụ thể như để cho đào tạo tràn lan không kiểm soát về mặt chỉ tiêu, tuyển sinh tuỳ tiện. Vì thế, tinh thần đổi mới của dự thảo nên nhắm đến việc quản lý chỉ tiêu đào tạo, hai là quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo của các trường để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên liên thông hoàn toàn không có sự chênh lệch so với đào tạo đại học chính quy”.

Những thay đổi theo hướng tạo cơ hội cho người học trong quy định đào tạo liên thông đã nhận được sự đồng tình từ nhiều phía. Điều mà dư luận xã hội mong mỏi hiện nay là đi kèm với "cởi trói" cần có những quy định "ràng buộc" để kiểm soát về mặt chất lượng đào tạo hệ này như: siết chỉ tiêu, quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, kiểm soát đầu ra…có như vậy chất lượng liên thông mới không đi vào vết xe đổ như trước.