Nghe bài viết:
Ảnh minh họa: TNO
Ở những địa bàn có tỉ lệ học sinh tiểu học bán trú thấp như Tân Phú, Gò Vấp…cũng là nơi các điểm bán trú vệ tinh phát triển mạnh nhất.
Cơ sở bán trú vệ tinh hút học sinh
Trước đây, mỗi ngày sau 11 giờ rưỡi. Chị Thu Phương vội vã chạy đến trường đón con nhưng thường trễ hơn giờ tan trường cả tiếng đồng hồ. Chị lại chở về gửi con nhờ hàng xóm trông giúp rồi tất tả đi làm tiếp, nhưng chẳng thể yên tâm. Vì vậy, một năm nay chị gửi con ở bên ngoài nhà trường, sáng 6 giờ rưỡi chở con đến trường, đến chiều tối đón con ở cơ sở bán trú vệ tinh: “Bây giờ hầu hết các phụ huynh đều đi làm đến 5, 6 giờ mới về nhưng trường chưa đáp ứng hết nhu cầu bán trú nên gửi con ở những cơ sở bán trú gần trường”.
Hòa trong dòng học sinh được ba mẹ đến đón tại các điểm bán trú vệ tinh, chúng tôi tìm đến trường tiểu học An Hội vào giờ tan học buổi sáng. Người phụ trách tập hợp cơ sở, điểm danh rồi dẫn các em qua con hẻm đối diện. Đây là nơi nhóm bán trú Thần Đồng và Bình Minh đang nhận chăm sóc cho gần 150 học sinh của 3 trường tiểu học lân cận An Hội, Lương Thế Vinh và Lam Sơn.
Tại đây, các em được cho ăn, ngủ và học 1 buổi theo báo bài ở trường, phụ đạo đến 6 giờ chờ phụ huynh đến đón về. Còn các em học chính khóa buổi chiều thì phụ huynh gửi từ 6 giờ 30 sáng, mức học phí 800.000 đồng/học sinh/ tháng.
Khó vì ...không chính quy
Bà Nguyễn Ngọc Thu Vân, quản lý nhóm trẻ Thần Đồng cho biết: Hoạt động của nhóm bán trú được phường thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nơi ăn chốn ngủ của học sinh. Tuy nhiên, đến nay nhóm vẫn chưa xin được giấy phép để hoạt động quy củ và bài bản hơn, bởi vẫn chưa có quy định.
“Mong muốn có một quy định cụ thể về diện tích, số lượng giữ bé tối đa, bếp ăn một chiều thực hiện như thế nào để quy củ hơn và phụ huynh gửi con cũng yên tâm hơn”, bà Vân nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho hay: Quận có 6 phường với 7 nhóm bán trú tự phát đang chăm sóc và nuôi dưỡng gần 800 học sinh. Qua những lần kiểm tra, các cơ sở vệ tinh bán trú đề nghị được cấp phép nhưng chưa có văn bản nào từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP quy định các cơ sở bán trú ngoài trường học phải đạt những tiêu chuẩn ra sao để được cấp phép.
“Việc không có văn bản hướng dẫn thì có khó khăn vì không có cơ sở pháp lý để cấp phép cho nhóm trẻ này. Những nhóm trẻ này cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ khi nhận dịch vụ. Về góc độ quản lý nhà nước đề nghị UBND phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở”, ông Tuấn cho biết.
Cũng là một địa bàn nóng và khá bức bách về nhu cầu bán trú, Q.Tân Phú hiện có ba cơ sở nhận khoảng 500 học sinh bán trú vệ tinh bên ngoài giờ chính khóa. Trong đó, trường dân lập tiểu học – THCS Hồng Ngọc có quy mô lớn nhất với 150 học sinh đến từ các trường tiểu học khác nhau trên địa bàn. Sau giờ học ở trường, các em được xe đón về cơ sở ăn ngủ, học buổi hai như ở trường công lập. Ngoài học chương trình tiếng Việt, học sinh còn học chương trình tiếng Anh 4-8 tiết/tuần, chương trình năng khiếu 2 tiết/tuần, học phí từ 1,4- 1,5 triệu đồng/tháng, phí xe đưa đón là 200.000 đồng/tháng.
Tuy được đầu tư bài bản là vậy, nhưng mô hình bán trú vệ tinh ở các trường dân lập chỉ mới được cấp phép chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng của Sở Kế hoạch – Đầu tư mà chưa có giấy phép dạy học buổi 2 nên chưa thể mở rộng việc phụ trách hoạt động bán trú cho các trường tiểu học.
Như trường tiểu học dân lập Lương Thế Vinh Q. Tân Bình mới chỉ nhận 34 học sinh bán trú vệ tinh của trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm và trường tiểu học Trần Quốc Toản, trong khi vẫn còn thừa khả năng nhận thêm 300 học sinh, nhưng vẫn rất khó chiêu sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, hiệu trưởng trường tiểu học dân lập Lương Thế Vinh mong muốn: “Khi xin phép được liên kết với các trường tiểu học mà không đáp ứng được nhu cầu bán trú của phụ huynh thì sẽ có sự chỉ đạo và hỗ trợ của phòng giáo dục giới thiệu cho các trường. Trường khi nhận học trò tất yếu phải có trách nhiệm với học sinh, phụ huynh, nhà trường liên kết”.
Mong muốn sớm được cấp phép
Trong các buổi làm việc với các địa phương về tình hình học sinh học học 2 buổi/ ngày tại các trường trên địa bàn TP mới đây, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND) đánh giá: Mô hình bán trú vệ tinh thể hiện vai trò xã hội hóa trong việc giảm áp lực cho trường công lập, nhưng cần đưa ra giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả: “Trước nay các quận huyện cũng đề nghị việc cấp phép nhưng cơ sở hành lang pháp lý chưa có, chúng tôi đề nghị các sở ngành rà soát lại các quy định của pháp luật để hướng dẫn quận huyện thực hiện, nếu chưa có quy định đề nghị sở giáo dục kiến nghị các đơn vị chức năng để có quy định cụ thể đối với loại hình bán trú vệ tinh”.
Trong khi áp lực về cơ sở vật chất tại các trường công lập chưa thể giải tỏa được, thì các cơ sở bán trú vệ tinh đã đáp ứng phần nào nhu cầu của phụ huynh, nhưng đến nay vẫn chưa được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý. Đã đến lúc các cơ sở này cần được "chính danh" để phát triển rộng rãi hơn và cũng tạo được sự an tâm cho nhà đầu tư, động viên nguồn lực xã hội hóa.
Bên cạnh đó, việc ban hành quy định chính thức cho hoạt động này với những tiêu chuẩn rõ ràng, sẽ đảm bảo chất lượng bán trú, chăm lo tốt hơn bữa ăn, giấc ngủ và phương tiện học tập cho học sinh.