Trình độ càng cao – thất nghiệp càng nhiều

(VOH) - Năng suất lao động ở VN rất thấp trong khu vực, thua xa các nước phát triển. Nhiều chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt, tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN-KCX) ở VN” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chương trình đổi mới đào tạo nghề VN phối hợp tổ chức ngày 26/05 tại TPHCM. 

Ảnh minh họa: VTV

Thất nghiệp cao..

Theo Tiến sĩ Bùi Thế Đức – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều KCN chỉ có khoảng 20% lao động có bằng chuyên môn kỹ thuật. Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào Trung cấp và Cao đẳng nghề chỉ đạt hơn 50% kế hoạch trong khi nhu cầu công nhân có tay nghề cao ở các KCN-KCX còn rất lớn. 

“Số người có trình độ cao đang thất nghiệp tăng lên rất nhanh. Quý 1/2016 thất nghiệp 225.000 người có trình độ từ cử nhân trở lên”, ông Đức đánh giá. 

.. nhưng vẫn lạc quan

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho rằng, dù kết quả tuyển sinh chưa đạt mục tiêu Chiến lược đào tạo nghề đề ra nhưng vẫn tăng gần 20% so với giai đoạn 2006 – 2010.

“Chất lượng đào tạo nghề nói chung, chất lượng đào tạo nghề cho các Khu công nghiệp nói riêng từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo.

Tỷ lệ HS-SV sau tốt nghiệp có việc làm rất cao, bình quân trên 70%. Có nhiều trường, nhiều ngành có tỷ lệ việc làm lên đến 80 – 90%. Có những nghề khi sinh viên chuẩn bị ra trường đã có doanh nghiệp đến đặt hàng”, ông Minh khẳng định. 

Tính đến nay, cả nước có khoảng 300 KCN-KCX, với hơn 2 triệu lao động đang làm việc, đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng năm và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của nền kinh tế.

20 năm tăng lương chỉ một, hai trăm ngàn

Để nâng cao chất lượng nhân lực tại các KCN-KCX, phải có thay đổi trong chính sách tiền lương tại doanh nghiệp. Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN phân tích, doanh nghiệp thường xây dựng chế độ tiền lương thành nhiều bậc nhưng mỗi bậc chỉ chênh nhau vài chục ngàn.

Điều này dẫn đến việc không khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề bởi giữa lao động có trình độ và không có trình độ không hơn nhau nhiều.

“Tôi theo dõi rất nhiều công nhân, họ làm việc từ năm 1995 cho đến nay đã hơn 20 năm, chuẩn bị nghỉ hưu. Thế nhưng, mức lương từ ban đầu cho đến nay chỉ chênh lệch khoảng 1 – 2 trăm ngàn. Đây là vấn đề bất cập”, ông Chính dẫn thực tế. 

Tiến sĩ Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, nhiệm vụ giáo dục do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng đào tạo phải thuộc về thị trường. Vì vậy, ông đề nghị giao cho Ban quản lý KCN-KCX đào tạo lao động bởi họ mới hiểu rõ nhu cầu nhân lực và làm thế nào để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp. 

Trao quyền linh hoạt cho trường đào tạo

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Trước mắt, chúng ta cần tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia, đã tương thích với khung trình độ ASEAN. Chúng ta ban hành khung này nhằm có thước đo chung về trình độ ở các cấp đào tạo khác nhau, giữa các nước trong khu vực ASEAN này, phục vụ việc công nhận tương đương bằng cấp và sự dịch chuyển lao động trong khu vực”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT kiến nghị năm giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất là then chốt: kỹ năng tư duy, giao tiếp, làm việc nhóm, trung thực, sáng tạo, toán học, thông tin, dân chủ, lãnh đạo và quản lý, kỷ luật…

Giáo dục nghề nghiệp phải đi bằng nhiều loại hình, hướng đến thu nhập, năng suất và hiệu quả. Mặt khác, thúc đẩy tư nhân hoá công tác đào tạo phát triển kỹ năng. Giải pháp thứ tư, đẩy mạnh mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp.

Cuối cùng, Tiến sĩ Vinh đề xuất trao tự chủ cho các trường đào tạo để linh hoạt trước đòi hỏi của thị trường.