Vắc-xin ngừa sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ được rút ngắn thời gian

(VOH) - Nghiên cứu giai đoạn 3 ở khu vực Châu Á và Châu Mỹ Latin trong đó có Việt Nam cho thấy vắcxin phòng ngừa sốt xuất huyết ở nhóm 9 tuổi trở lên là 66% phòng ngừa được.

Nghe toàn văn bài viết:

Không bao lâu nữa, Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TPHCM triển khai tại 2 thành phố là Mỹ Tho và Long Xuyên với sự tham gia của khoảng 2.300 trẻ em. Phóng viên Đài TNDD TPHCM trao đổi với PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng viện Pasteur:

VOH: Kết quả thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết được Viện Pasteur thực hiện như thế nào thưa ông ?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Có 6 nghiên cứu, giai đoạn 3 tiến hành trên 12 nước khắp Tây Thái Bình Dương cũng như châu Mỹ Latin. Nghiên cứu này được giám sát bởi Tổ chức Y tế thế giới cũng như các Viện Nghiên cứu quốc tế. Việt Nam tham gia 2 trong 15 điểm nghiên cứu tại khu vực Châu Á. Đến nay, kết quả nghiên cứu giai đoạn 3 ở khu vực Châu Á, Châu Mỹ Latin trong đó có Việt Nam cho thấy vắcxin phòng ngừa sốt xuất huyết ở nhóm 9 tuổi trở lên là 66%, với 81% số ca sốt xuất huyết nhập viện và 93% ca sốt xuất huyết nặng. Còn trẻ dưới 9 tuổi hiệu quả thấp hơn, do đó cần theo dõi hết thời gian nghiên cứu, 5 năm sau khi tiêm để đánh giá hoàn chỉnh. Bên cạnh đó những phản ứng của vắcxin sau tiêm chủng lần này thì tương đương hoặc thấp hơn các vắcxin đang lưu hành và không gây bất cứ biến cố nghiêm trọng nào.

Phun thuốc diệt muỗi, ngăn chặn sốt xuất huyết - Ảnh: Infonet.

VOH:  Nghiên cứu kéo dài đến tháng 11/2017 nhằm theo dõi tính an toàn và hiệu quả. Sau khi kết thúc, nhà sản xuất sẽ đưa vắc-xin phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ra thị trường. Như vậy, thời gian có đúng như dự tính ?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Nhà nghiên cứu có thể đăng kí lưu hành sản phẩm sử dụng cho những đối tượng từ 9 tuổi để ngừa sốt xuất huyết, trước hết là tại các quốc gia thực hiện nghiên cứu này. Trên cơ sở đăng kí của nhà sản xuất thì các quốc gia - trong đó có Việt Nam - sẽ kiểm tra các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, tính hiệu quả dựa trên gánh nặng bệnh tật và lịch tiêm chủng cũng như chi phí lưu hành, áp dụng ưu tiên cho những vùng nhất định. Theo quy định của Việt Nam, tất cả vắc - xin mới vào Việt Nam dù đã được nghiên cứu trên thế giới đều phải nghiên cứu lâm sàng trên người Việt Nam. Với thành công lần này sẽ rút ngắn thời gian đưa vắc - xin vào sử dụng đại trà tại Việt Nam

VOH: Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi ra thị trường, theo ông cần quan tâm và nghiên cứu sâu ở điểm nào ?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Nghiên cứu này tiếp tục theo dõi đủ 5 năm sau khi tiêm vắc - xin cuối cùng để đánh giá tính an toàn, hiệu quả. Thứ 2 là tiếp tục nghiên cứu giải đáp các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu như hiệu quả nghiên cứu trẻ em thấp. Sau này, dù vắc - xin được cấp phép đưa ra thị trường vẫn tiếp tục nghiên cứu đánh giá để xác định những phản ứng có hại và hiệu quả vắc - xin sau sử dụng rộng rãi. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ rất rõ dù vắcxin được lưu hành, việc kiểm soát véctơ, muỗi, lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết vẫn là biện pháp then chốt trong nhiều năm tới.