Ăn
nhiều rau quả để tăng cường miễn dịch cho cơ thể – Một trong
những cách phòng bệnh viêm não mô cầu |
Dễ chẩn đoán nhầm
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực- BV Nhiệt đới Trung
ương cho biết, viêm não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, lây qua đường hô hấp,
tử vong nhanh và dễ lan thành dịch. Khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ
thể sẽ gây viêm họng và ở những người cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào
máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường
hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng.
Điều đặc biệt nguy hiểm là các dấu hiệu sớm của bệnh rất nghèo nàn, dễ bị
chẩn đoán nhầm, bởi các triệu chứng của bệnh giống các trường hợp nhiễm vi
trùng khác, với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Khi bệnh diễn tiến nặng
hơn, gây biến chứng viêm não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện cũng giống
như những ca viêm não mủ bình thường khác như sốt, đau đầu, nôn, hôn mê.
Khi vi khuẩn não mô cầu gây biến chứng nhiễm trùng huyết, người bệnh có hiện
tượng xuất hiện ban hoại tử dưới da to bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay nên dễ
chẩn đoán nhầm với bệnh liên cầu lợn, các bệnh phát ban khác...
Với bệnh nhân T, 5 ngày trước khi vào viện có biểu hiện đau họng, đau mỏi cơ
toàn thân, sau đó xuất hiện các nốt ban đỏ hoại tử trên da, người mệt nhiều,
sốt, huyết áp tụt... Do được điều trị kháng sinh kịp thời, nên tình trạng
sức khỏe của BN này tiến triển tốt. Hiện BN vẫn phải nằm trong phòng điều
trị tích cực và cách ly tuyệt đối. Người nhà chăm sóc bệnh nhân cách ly hoàn
toàn bên ngoài, được khuyến cáo dùng khẩu trang, tránh tiếp xúc đông người
và được cấp thuốc kháng sinh uống dự phòng.
Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, chỉ
nửa đầu tháng 1-2012, BV tiếp nhận 5 bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Những BN
này đều làm việc cùng công ty Furukawa - Khu chế xuất Tân Thuận.
Kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm y tế dự phòng quận 7 đã xác định đây
chính là "ổ dịch”, nên đã giám sát khống chế dịch. Đồng thời cho toàn bộ
công nhân trong Công ty Furukawa uống thuốc dự phòng và khuyên công nhân súc
miệng sát khuẩn để ngừa lây lan.
Theo bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí
Minh, hiện nay bệnh viêm não mô cầu đang vào mùa. Bệnh thường thấy ở trẻ em,
nhưng người lớn cũng có thể mắc. Khi vào cơ thể qua đường hô hấp, vi trùng
có thể nhân lên nhiều ở vùng hầu họng gây viêm họng, nhiễm trùng huyết hoặc
viêm màng não.
Phòng bệnh thế nào?
Với bệnh viêm não mô cầu, bệnh nhân thường bỗng nhiên sốt kèm ớn lạnh, rét
run, đau đầu, co giật hoặc mê sảng ở trường hợp nặng. Một số trường hợp có
biểu hiện nôn ói, nhức mỏi. Với các vết ban đỏ nổi ngoài da đối với viêm não
mô cầu, thường có tím thẫm, hoặc to bằng đầu đũa, hoặc là mảng lớn hơn. Các
nốt tử ban xuất hiện trong 1-2 ngày có biểu hiện bệnh, trong khi đó sốt phát
ban hay sốt xuất huyết, nốt ban thường có màu nhạt và nhỏ hơn, trổ ban từ
sau 3-4 ngày.
Người bị nhiễm bệnh cấp nhẹ nhất chỉ bị viêm họng nếu được nhập viện và điều
trị bằng kháng sinh. Nếu ở cấp độ nặng, vi trùng vào não gây viêm màng não;
vào máu gây nhiễm khuẩn huyết não mô cầu. Ở thể tối cấp, bệnh nhân vừa bị
viêm màng não vừa bị nhiễm khuẩn huyết não mô cầu.
Thống kê dịch tễ tại Việt Nam cho thấy, có đến 50% người mang vi trùng não
mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh và vẫn sống khỏe. Bệnh đặc biệt nguy
hiểm với những BN bị nhiễm trùng huyết cấp hoặc viêm màng não. BN có thể tử
vong trong vòng 2 ngày sau khi phát bệnh.
Các chuyên gia nhận định, mùa đông-xuân là điều kiện lý tưởng để bệnh viêm
não mô cầu phát triển. Vì thế, việc giám sát ổ dịch, xử lý ổ dịch là rất
quan trọng để tránh lây lan.
Để phòng bệnh, người mang bệnh phải được cách ly khỏi đám đông. Người tiếp
xúc có thể uống kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, viêm não mô
cầu có văcxin phòng ngừa. Loại văcxin này tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Người lớn cũng có thể tiêm phòng. Vắcxin phòng bệnh viêm màng não do não mô
cầu được chỉ định tiêm cho những người có nguy cơ bị bệnh cao như người hiện
đang sống trong vùng có dịch, những người đi du lịch tới các vùng đang có
dịch. Không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vắcxin không có hiệu
lực cao với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Tuy vậy, cha mẹ trẻ nên đưa con đi tiêm nếu
trẻ có nguy cơ bị bệnh cao. Khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở
tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối
sinh lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.