Xét tuyển ĐH-CĐ nguyện vọng bổ sung đợt 1: mỏi mắt chờ thí sinh

(VOH) - Còn vài ngày nữa là kết thúc xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đợt 1, nhiều trường đang lo lắng tuyển không đủ chỉ tiêu bởi lượng thí sinh đến nộp hồ sơ chỉ rải rác, có ngành chưa có thí sinh nào, thậm chí có trường có lượng hồ sơ chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu.

Rút nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh minh họa: K.Huân)

Nếu từ nay đến ngày 07/09 không có đột biến về thí sinh, nhiều trường đang tính đến phương án tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2. Bên cạnh đó, nỗi lo thí sinh ảo do ở đợt này thí sinh có đến tổng cộng 12 nguyện vọng từ 3 giấy chứng nhận kết quả thi, có thể nộp vào 3 trường khác nhau…..càng khiến các trường lo ngay ngáy.

Tính đến 04/09, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp nhận hơn 1.500 hồ sơ cho tất cả ngành, trong khi chỉ tiêu của trường là 3.400 chỉ tiêu. ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cho hay đã nhận được hơn 500 hồ sơ xét tuyển vào ĐH, còn hệ cao đẳng mới nhận được gần 60 hồ sơ. Tại trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, đợt này xét tuyển bổ sung 900 chỉ tiêu nhưng mới chỉ hơn 230 hồ sơ nộp vào, trong đó hết 130 hồ sơ học bạ. Bi đát hơn, trường CĐ Đại Việt TPHCM mới nhận hơn 100 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là hơn 1.000.

Trường CĐ Bách Việt mới nhận được hơn 1.000 hồ sơ so với 2.400 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Thế nhưng số thí sinh chỉ tập trung đông ở một số ngành như: dược, điều dưỡng, công nghệ thực phẩm, quản trị khách sạn nhà hàng, quan hệ công chúng….Ông Mai Đức Toàn, Phó Trưởng phòng tuyển sinh cho hay, các trường vừa mỏi mắt kiếm thí sinh, lại vừa lo thí sinh ảo:  “Tỷ lệ thí sinh ảo ở trường nào cũng gặp. Phương án là vừa xét học bạ vừa xét kết quả thi. Tuy nhiên, lúc nộp hồ sơ thì chúng tôi cố gắng cho các em biết chỉ tiêu từng ngành, dự kiến điểm trúng tuyển ngành đó để các em hình dung có nên nộp hay chuyển ngành khác” .

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Văn Hoá TPHCM, dù số hồ sơ nộp vào đã vượt xa chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung của trường nhưng vẫn lo không đủ người học: “Chúng tôi chỉ lo một điều là số thí sinh ảo lớn. Đợt tuyển NV bổ sung, thí sinh có 3 giấy chứng nhận kết quả thi, mỗi phiếu được đăng ký 4 NV thành ra 12 NV nên có thể thí sinh sẽ trúng tuyển ở các trường khác nhau. Sau này, chúng tôi lo ngại khi triệu tập nhập học, mình gọi số lượng đông mà các em đến đông cũng mệt nên phải tính toán. Nếu gọi ít mà các em không đến đủ, trường lại phải gọi tiếp”.

Thống kê của Bộ GD-ĐT, có hơn 630.000 thí sinh có kết quả thi THPT Quốc gia đạt từ 12 điểm trở lên. Kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, có hơn 370.000 thí sinh trúng tuyển ĐH-CĐ. Như vậy, còn hơn 260.000 thí sinh đạt từ điểm sàn CĐ trở lên. Như vậy, nguồn tuyển còn dồi dào cho các trường. Thế nhưng, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung tại các trường mấy ngày qua vẫn chưa khả quan. Nhiều trường cũng đặt câu hỏi liệu thí sinh đang ở đâu trong khi các trường vẫn mỏi mắt chờ đợi? Ths Hoàng Đức Bình, Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen băn khoăn: “Đúng ra lượng thí sinh vẫn còn nhiều lắm nhưng đến bây giờ các em vẫn không đi nộp hồ sơ, điều này rất kỳ lạ và cũng chưa biết lý giải tại sao. Hai là, NV bổ sung mà các em vẫn nhắm vào khối ngành kinh tế. Khối khoa học công nghệ không được thí sinh quan tâm nhiều. Tôi nghĩ sự phát triển của xã hội cần sự sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ. Thí sinh ít quan tâm những ngành khoa học công nghệ như vậy, về lâu dài sẽ gây mất cân đối trong lực lượng lao động”.

Các giảng viên tư vấn cho thí sinh và phụ huynh về cách rút, nộp hồ sơ tại trường ĐH Kinh tế TPHCM (ảnh: K.Huân)

Trong khi đó, ở nhiều trường ĐH địa phương, tình hình tuyển sinh năm nay có chút ít biến động. ThS Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng cho hay số thí sinh nộp hồ sơ lai rai trải đều các ngày, hy vọng những ngày cuối sẽ đông hơn. Đến nay, trường tuyển được khoảng 60-70% cho cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung. Trường không dám đặt mục tiêu sẽ tuyển đủ nhưng nếu tuyển gần đủ chỉ tiêu xem như thành công. Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp hồ hởi cho biết, những ngành không tuyển sinh được các năm trước như: quản lý giáo dục, ngôn ngữ Trung quốc….thì năm nay lại đông thí sinh: “Hiện nay việc xét tuyển NV bổ sung của trường đang theo đúng lộ trình, trường tuyển 600 chỉ tiêu, cho đến sáng nay đã nhận hơn 600 hồ sơ nộp. Cho nên trường sẽ không lấy thêm chỉ tiêu. Nguyên tắc trường được lấy vượt 5% chỉ tiêu. Năm ngoái, thời điểm này, chúng tôi như ngồi trên đống lửa không biết thế nào còn năm nay thì trường biết chắc chắn số thí sinh vào trường”.

Qua ghi nhận ban đầu, ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này lượng thí sinh chủ yếu tập trung nhiều vào nhóm ngành kinh tế. Cụ thể, trường ĐH Hoa Sen mới nhận được hơn 50% lượng hồ sơ so với chỉ tiêu của trường. Trong đó, nhóm ngành thiết kế: đồ hoạ, thời trang, nội thất….mới có lèo tèo vài thí sinh. Trường ĐH Văn Hiến đã nhận hồ sơ xấp xỉ chỉ tiêu của trường. Mức điểm tập trung ở 15–17 điểm, chủ yếu lượng hồ sơ đông ở ngành kinh tế, dịch vụ, tài chính. Tương tự, trường ĐH Công nghệ TPHCM nhận hơn 2.500 hồ sơ so với chỉ tiêu hơn 3.000, cũng giống như nhiều trường khác, hồ sơ chủ yếu tập trung khối ngành kinh tế, du lịch, các ngành ngôn ngữ….

Dù  nhiều trường có lượng hồ sơ đông nhưng lại tập trung nhóm ngành kinh tế, các ngành còn lại vẫn còn hụt thí sinh rất nhiều, bắt buộc phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung các đợt tiếp theo, dù biết rằng kéo dài tình trạng xét tuyển sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường.