Bầu 69 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

(VOH) - Sáng nay 16/10, Đại hội Đảng bộ TP cho ý kiến, giới thiệu bổ sung và thông qua danh sách ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 78 người, bầu cử 69 người.

Lãnh đạo Thành ủy bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X - Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy

Danh sách này do Ban chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 9 và các đại biểu giới thiệu tại đại hội.

Chiều nay 16/10, Ban kiểm phiếu làm việc và công bố kết quả Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó, đại hội tiếp tục bầu đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Buổi tối, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ họp lần thứ nhất.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ X. Ảnh : Quỳnh Anh

Nhiều hiến kế tâm huyết cho nhiệm kỳ 5 năm tới

Trong phiên làm việc sáng, những ý kiến tâm huyết được các đại biểu trình bày qua tham luận tại hội trường.

Trong tham luận “Hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng mô hình chính quyền điện tử từ phường - xã, thị trấn, quận - huyện đến thành phố”, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết: Từ năm 2014 đến nay, có trên 600.000 văn bản điện tử được gửi - nhận giữa 177 cơ quan, các doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố cấp giấy đăng ký doanh nghiệp tại nhà. Ông Lắm nhấn mạnh: Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử các cấp; đẩy mạnh ứng dụng quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp. Đồng thời, TP lấy nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi.

Bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM trình bày tham luận “Những giải pháp phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP.HCM”. Bà Hương Lan cho biết: Với sự có mặt của tất cả định chế tài chính - tín dụng, thành phố tạo ra trên 40% lượng cung của thị trường tài chính cả nước. TP.HCM triển khai chương trình tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân với cơ chế tín dụng - lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, theo bà Hương Lan, vẫn còn hạn chế, đó là tính chủ động chưa cao. Các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, các định chế tài chính phi ngân hàng và dịch vụ hỗ trợ phải phụ thuộc vào các định chế thuộc quyền quản lý, giám sát của các Bộ, ngành Trung ương đã tác động trực tiếp vào sự vận hành thị trường tài chính. Do đó, để phát triển và hoàn thiện tài chính TP.HCM, bà Hương Lan nhấn mạnh, thành phố chủ động nghiên cứu, tham mưu các cơ chế vận hành cho thị trường tài chính.

Ngoài ra, 4 tham luận khác cũng được trình bày tại đại hội gồm: “Những giải pháp đột phá để thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp” của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung; “Giải pháp bảo đảm an ninh trật tự thành phố” của Thiếu tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP; “Giải pháp chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện hữu, tổ chức lại đời sống dân cư” của bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh và tham luận “Tăng cường các giải pháp giáo dục, tạo môi trường rèn luyện thực tiễn để thanh niên rèn luyện, xung kích xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới” của Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Cường.