Trong bối cảnh hiện nay, đất nước sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, trong đó hội nhập kinh tế là trung tâm. Nhưng mức đầu tư cho công nghệ của các doanh nghiệp VN vẫn ở mức thấp,... làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ổn định chính trị trên địa bàn thành phố...Hướng đến đại hội Đảng TPHCM lần thứ X, PGS- TS Phan Minh Tân, Nguyên giám đốc Sở khoa học và công nghệ TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOH về những tâm tư và nguyện vọng của ông trong vấn đề này.
Phát triển KHCN cấp sơ sở là một trong những biện pháp nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Ảnh: Sở KHCN TPHCM
VOH: Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta đã có gần 30 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay), ông có nhận xét gì về sự phát triển của khoa học công nghệ và những đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế?
- PGS- TS Phan Minh Tân: Nhìn lại thành tựu 30 năm đổi mới, chúng ta thấy rõ đất nước đã có sự phát triển vượt bậc, từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, có những thành tựu quan trọng. Riêng với khoa học công nghệ thì cũng có những bước phát triển nhanh trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể tiềm lực của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng đã tăng lên đáng kể, tại TPHCM hiện nay chúng ta có hơn 80 trường ĐH CĐ, số sinh viên tăng nhanh, đội ngũ trí thức chiếm 22-23% so với đội ngũ trí thức của cả nước. Có hệ thống các trường, các viện đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học công nghệ và phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Đáng kể nhất là ta đã xây dựng được một nền tảng bước đầu rất quan trọng như khu công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học, công nghệ nano. Hình thành 1 nền công nghiệp nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, từng bước có những công trình khoa học được đánh giá cao trong cộng đồng khoa học của khối ASEAN.
VOH: Theo đánh giá của ông thì đã có những thành tựu rất đáng khích lệ, tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc tạo dựng nền tảng để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại thì vẫn còn chậm. Theo ông thì cần có những giải pháp gì để thúc đẩy điều này?
- PGS- TS Phan Minh Tân: Nói về thành tựu thì rất đáng tự hào nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng thấy là nền kinh tế vẫn còn bộc lộ những mặt yếu kém, đặc biệt là sức cạnh tranh còn rất kém, tính bền vững chưa đạt được như mong muốn. Có những nguyên nhân, năng suất lao động còn thấp, công nghệ sản xuất chậm thay đổi, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như của từng doanh nghiệp nói riêng hiện nay còn bất cập. Các doanh nghiệp chưa chú trọng vào đổi mới công nghệ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các trường viện với nhà khoa học còn yếu. Do vậy, khoa học công nghệ chưa trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo tôi cần phải có những giải pháp chính sách mang tính đột phá, huy động được các nguồn lực đầu tư vào khoa học công nghệ. Ở các nước thì tỉ lệ này khoảng 7/3, nghĩa là xã hội đầu tư 7 thì nhà nước đầu tư 3. Trong khi ở nước ta điều này ngược lại, trong khi ngân sách nhà nước thì còn nhiều hạn chế. Giải pháp quan trọng nhất là làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cơ chế chính sách cụ thể khi họ đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay chúng ta đã có ưu đãi về thuế nhưng điều này chưa đủ, mà quan trọng là làm sao hỗ trợ tạo đầu ra, tiêu thụ được sản phẩm không chỉ là ở trong nước mà còn là ở nước ngoài.
VOH: Ông có gửi gắm gì với Đại hội Đảng bộ lần này, nhất là những văn kiện có liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ?
- PGS- TS Phan Minh Tân: Trong văn kiện ĐH Đảng bộ TPHCM lần này thì cũng đã nêu rõ vai trò của khoa học công nghệ, nếu nói khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Khi đó chúng ta mới quan tâm nhiều hơn tới khoa học công nghệ, dành nhiều thời gian vào vấn đề này, huy động được sự quan tâm của xã hội đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Tôi kỳ vọng là nếu có những giải pháp đột phá thì chắc chắn sẽ tạo ra được sự đột phá của kinh tế thành phố trong 5 năm tới.
VOH: Cảm ơn ông.