Cần xây dựng các chương trình hành động cụ thể

(VOH) - Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra khá nhiều vấn đề, ở góc độ là một doanh nhân, ông Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM quan tâm đến các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2016 – 2020.

Nghe nội dung:

Ông Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM

Mong phương hướng của dự thảo văn kiện triển khai thành mệnh lệnh hành chính để trở thành công cuộc cách tân về công thương.

Theo tôi, việc chú trọng vào nguồn lực doanh nghiệp tư nhân, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm của văn kiện cũng như tầm nhìn chung của Đại hội đối với lực lượng kinh tế. Chúng ta đều biết rõ, năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước từ việc chúng ta bắt đầu tham gia cộng đồng kinh tế Asean, ký kết hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương... trước nền tảng này đòi hỏi chúng ta có sự chủ động về mặt tâm thức, cần triển khai đồng bộ từ các chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước cho đến các chương trình và phong trào ngay tại doanh nghiệp, từ Nghị quyết đi đến thực tiễn xã hội.

Tôi đánh giá các nội dung của dự thảo văn kiện lần này khá toàn diện và đề cập đến điểm mạnh, yếu của nền kinh tế Việt Nam, ở các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp nhóm, ngành kinh tế khác nhau như: ngành nông nghiệp, ngành sản xuất dịch vụ, rồi phát triển kinh tế biển... khá đầy đủ và toàn diện, tuy nhiên, làm sao để có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển một cách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, làm sao để nhận thức giữa đội ngũ Đảng viên từ cơ quan lãnh đạo của Đảng đến cơ quan chính quyền các cấp phải thật sự coi hoạt động kinh tế là hoạt động hàng đầu trong tạo sức mạnh của quốc gia. Chúng ta phải đặt ra trong suy nghĩ cần có ứng xử đúng giữa bộ máy chính quyền từ tư tưởng của Nghị quyết được triển khai cụ thể và sâu rộng qua những chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong văn kiện cũng nói về việc tập trung xây dựng các thương hiệu mạnh, thương hiệu Việt và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, tôi bổ sung thêm là cần có các chương trình khác nhau cho mỗi doanh nghiệp ở các tập đoàn khác nhau. Trong bối cảnh khó khăn số đóng cửa, ngưng hoạt động chủ yếu nằm ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta cần xác định chỉ khi có được lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hùng hậu thì mới là vườn ươm tạo doanh nghiệp lớn trong tương lai. Nếu không quan tâm đến vấn đề này coi chừng chúng ta đánh mất một sức cạnh tranh lớn ở những thị phần khác nhau.

Chúng ta cần xây dựng các chương trình hành động cụ thể và đưa nhận thức bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, về phát triển kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân như một quyết sách cấp thiết, đó mới thật sự là hỗ trợ sát sườn doanh nghiệp. Chứ như trước đây, các doanh nghiệp vẫn mang tính chất tự đối phó, tự bơi, tự bươn chải để tồn tại. Tôi mong mỏi phương hướng của dự thảo văn kiện được triển khai thành mệnh lệnh hành chính để trở thành công cuộc cách tân về công thương của nước nhà, lúc đó tiềm lực của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được như mong muốn và yêu cầu mà phương hướng đề ra.

Bình luận