Định hướng đúng thay đổi bộ mặt nông thôn

(VOH) - Là quốc gia có 67% dân số ở khu vực nông thôn, gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, nên chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước đặc biệt sau Nghị quyết 26 – Nghị quyết Tam nông ra đời.

Trải nhựa trước cửa nhà

Thay đổi căn bản nhất mà mỗi người dân nông thôn cảm nhận rõ và tác động trực tiếp đến đời sống là hệ thống hạ tầng giao thông.

Đến nay, cả nước có trên 490.000 km đường giao thông nông thôn, chiếm hơn 86% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ trong nước, trong đó gần một nửa được bê tông, trải nhựa. So với năm 2010, hệ thống giao thông nông thôn tăng 217.000 km đường.

Không chỉ thuận lợi đi lại, vận chuyển nông sản, hệ thống giao thông nội đồng, liên xã, liên ấp, kết nối với các trục giao thông chính, đang rút ngắn khoảng cách không gian, kinh tế, văn hóa xã hội giữa nông thôn và thành thị.

Nhiều tuyến đường nông thôn được trải nhựa (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Hoàn thiện thủy lợi

Đến nay, hệ thống thủy lợi với hàng ngàn công trình đảm bảo tưới cho 7,3 triệu hecta đất trồng lúa, 1,5 triệu hecta rau màu, cây công nghiệp. Hệ thống này cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới cho phần lớn diện tích đất canh tác. 

Xã Sơn Định, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, địa phương nổi tiếng về diện tích cây ăn trái có địa hình trũng thấp cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Trước đây, hàng năm, xã nằm trong vùng nguy cơ thiệt hại do lũ lụt, triều cường.

Những năm gần đây, hệ thống thủy lợi được hoàn thiện, bà con chủ động nguồn nước, xử lý ra hoa nghịch vụ.

Ông Lý Tấn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho hay: “Tháng nước nổi, người ta hạn chế nước trong mương vườn. Còn mùa nắng, bà con giữ được nước bên trong để có nước tưới. Chủ động nguồn nước, bà con chủ động thời gian làm việc”.

Người nông dân đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất - Ảnh: trồng rau nhà kính tại Đà Lạt (Ảnh: Lan Hương)

Đổi thay nhờ “Nông thôn mới”

Có được thành quả trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân không quên nhắc đến chương trình xây dựng nông thôn mới mang đến sự đổi thay trên từng thửa ruộng, mảnh vườn và cả nếp nghĩ, cách làm.

Nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí, nông thôn không chỉ khoác lên bộ áo mới khang trang, tươi đẹp mà còn phát huy tiềm lực kinh tế thực sự. Thông qua các mô hình liên kết sản xuất, đào tạo nghề, chương trình giảm nghèo, cũng như các tiêu chí giáo dục đào tạo, người dân nông thôn có thay đổi rõ nét trong thực tế sản xuất cũng như thích ứng dần với hội nhập.

Đến nay, cả nước có trên 1.500 xã và 15 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, những năm qua, nước ta có trên 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD, góp phần tăng  mức thu nhập của người dân nông thôn lên 1,9 lần so với năm 2010. 

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: “Đảng và nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của nông dân và tổ chức Hội nông dân trong sự nghiệp cách mạng. Khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xác định công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước”.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Theo nông dân nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp còn một số tồn tại: chạy theo phong trào, canh tác không theo quy hoạch, chất lượng chưa đàm bảo, từ đó, làm cho giá trị nông sản thấp, ảnh hưởng đến đầu ra và thu nhập.

“Từ xưa đến giờ, hàng nông sản chỉ phát triển tốt trong giai đoạn đầu. Quy hoạch vùng không có, làm bao nhiêu, tiêu thụ bao nhiêu mà chỉ phát triển, nhân rộng. Từ từ, cung hơn cầu. Vì vậy, tôi mong Đảng và Nhà nước nghiên cứu sắp xếp”, ông Nguyễn Văn Được, ấp Hậu xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đề nghị.

Để nâng cao giá trị nông sản, theo ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội nông dân thành phố, cần đầu tư, ứng dụng sâu rộng thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống cây trồng vật nuôi. 

“Chúng tôi mong có chính sách đúng đắn để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống mới có năng suất chất lượng. Để doanh nghiệp có tâm có tầm đầu tư vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, làm đầu tàu dẫn dắt nông dân thoát nghèo bền vững và làm giàu chân chính”

Với chủ trương chính sách phù hợp, nông nghiệp - nông dân - nông thôn rõ ràng đã và đang phát huy tiềm lực của mình. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, người dân còn mong chờ sự hoàn chỉnh hơn nữa các chương trình chính sách trong lĩnh vực này.

Điều đó để nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ kinh tế mà nông dân - nông thôn sẽ là những đối tượng thụ hưởng tích cực thành quả từ nền kinh tế phát triển của xã hội hiện đại.