Hoàn chỉnh hệ thống giao thông Thành phố

(VOH) - Là địa phương có sự phát triển năng động vào bậc nhất cả nước, TPHCM không ngừng phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn để duy trì, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đang định hình. Đây cũng được coi là một trong những bước tiến quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị của TPHCM.  Mục tiêu chính của dự án là đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội, nơi có lưu lượng giao thông cao nhất trong số các cửa ngõ TP, hiện là điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng cho đây là bước đột phá của TP: "Tuyến đường sắt đô thị số 1 thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Đây là dự án rất quan trọng, dự án đầu tiên, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, cũng như Nghị quyết 13 của Hội nghị Trung ương 4". Ông Thăng nhấn mạnh. 

Ở khía cạnh kinh tế tuyến Bến Thành-Suối Tiên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các quận dọc tuyến như Quận 2, 9, Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tuyến Metro số 1 sẽ có một ray chờ để trong thời gian tới có thể kết nối với Bình Dương và Đồng Nai. Ông Hoàng Như Cương, phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết: “Trong tương lai gần, Bình Dương đã có quy hoạch tuyến metro và Bình Dương mong muốn kết nối với tuyến metro số 1 tại bến xe Suối Tiên, trước tiên có thể là hệ thống xe buýt nhanh sau đó là hệ thống đường sắt đô thị”. 

Nhìn vào tương lai khi 6 tuyến metro, đường vành đai 3, vành đai 4 được hoàn thành sẽ hoàn thiện thêm bức tranh giao thông TP.

Ảnh minh họa - Nguồn: CafeF.

Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 thì các tuyến đường vành đai, các tuyến kết nối đóng vai trò cực kỳ quan trọng tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh gắn kết khu vực TPHCM và giữa TP với các tỉnh.

Sự phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, các đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các khu dân cư đông dân dần dần tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam của TP, kết nối và tạo cho đô thị phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn. Các dự án quy mô không chỉ mang lại dáng vóc mới mà tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Theo chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, tuyến cao tốc sẽ có tác dụng kích thích phát triển kinh tế xã hội, đặc việc là đối với khu vực quận 1, quận 9, vốn là những nơi phèn chua nước mặn. Ông Quân đánh giá “Yêu cầu đầu tiên là nhu cầu lưu thông đô thị, nhưng lớn hơn là tạo không gian phát triển kinh tế hướng Đông-Nam TP kết nối với hệ thống đường cao tốc và cao tốc TPHCM-Trung Lương. Trong nhiều năm qua, chúng ta phải ứng phó với tình hình khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đó chính là sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP”.

TP xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng TP nói riêng và đất nước nói chung. Đến năm 2020, TP sẽ xây dựng hoàn thiện 3 tuyến vành đai, 11 trục đường hướng tâm đối ngoại, 7 đường cao tốc, 4 đường trên cao, hoàn thiện 2 trục chính xuyên tâm đô thị.  

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI, Thành ủy TPHCM đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2020, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, từng bước hiện đại, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo hài hòa đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang. Những thành quả đã đạt được là bước đệm quan trọng để TP hiện thực hóa mục tiêu này.