Khoa học công nghệ đi đôi với đổi mới sáng tạo

(VOH) - Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định rõ: phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều đổi mới về cơ chế quản lý, chính sách tài chính.

Ảnh minh họa - Nguồn: PCworld.

Nhiều năm hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến tâm huyết đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 10 nhằm tiếp tục phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ trong nhiệm kỳ tới: 

"Nói về khoa học-công nghệ thì chúng tôi cũng có nhiều năm hoạt động làm việc trong lĩnh vực khoa học-công nghệ của thành phố, một số từ ngữ câu chữ cần phải chỉnh sửa, ví dụ như nói là ứng dụng khoa học-công nghệ mà phải nói là ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học thì đúng hơn.

Tuy nhiên, tôi xin nói thêm hiện nay trên thế giới người ta không chỉ nói về khoa học-công nghệ mà người ta dùng 3 từ: Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ở đây có 3 vế, thứ nhất là nghiên cứu khoa học bây giờ mọi người vẫn thường chỉ trích là nghiên cứu khoa học xong là bỏ tủ không ứng dụng. Ở đây bản chất của nghiên cứu khoa học không phải là tạo ra tiền, mà bản chất của nghiên cứu khoa học là làm giàu kho tàng tri thức của nhân loại. Tất nhiên có những đề tài khoa học tạo ra những sáng tạo có thể ứng dụng được vào thực tế nhưng không nhiều. Thứ hai, thường đề tài triển khai trong 2 năm thì sau 2 năm không thể có một công nghệ mới để làm ra tiền. Khoa học công nghệ không phải là “mì ăn liền” thành ra phải cùng nhau nhận thức điểm này, chứ còn bắt các nhà khoa học phải làm ra tiền khi giao đề tài cho họ đưa vào ứng dụng thì tôi cho rằng không khả thi.

Vế thứ 2 là công nghệ thì trên cơ sở những phát minh sáng chế từ nghiên cứu khoa học người ta tập hợp lại tạo ra những công nghệ và công nghệ ở các nước thì doanh nghiệp làm công nghệ chứ nhà nước không làm công nghệ. Các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu để dùng chất xám của các nhà khoa học để hỗ trợ phát triển công nghệ và họ chủ đạo trong công nghệ.

Vế thứ 3 hiện nay các nước đang làm rất mạnh và nâng cao là đổi mới sáng tạo. Bản chất của đổi mới sáng tạo là thương mại hóa công nghệ, có công nghệ mà không thương mại hóa được thì cũng sẽ chết. Ở trên thế giới, người ta nói đến nền công nghiệp là nền công nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo.

Tôi cho rằng để phát triển khoa học công nghệ có 3 vấn đề chính cần chú ý quan tâm nhiều hơn. Thứ nhất là phải thấy rằng phát triển tiềm lực khoa học công nghệ phải được đặt lên hàng đầu. Tiềm lực ở đây là tiềm lực về nguồn nhân lực, tiềm lực về cơ sở vật chất, thu hút các nguồn lực xã hội nhất là các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ. Thứ 2, phải xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy là trụ cột của nền kinh tế tri thức và kinh tế xanh và đây là giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm, của nền kinh tế, phải chú trọng. Tôi cho rằng phải có nhiều hội thảo, hội nghị để bàn với các doanh nghiệp làm vấn đề này. Vấn đề lớn thứ 3, phải thu hút và phát huy được đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ".