Liam Hunter, 30 tuổi, người Scotland, nói với Reuters rằng việc tham dự lễ hội kéo dài ba ngày khiến anh cảm thấy tốt hơn về bản thân.
Giống như nhiều người tóc đỏ khác, Hunter cho biết anh từng bị bắt nạt vì màu tóc khác thường của mình.
Theo ban tổ chức, khoảng 5.000 người tóc đỏ từ các quốc gia khác nhau đã đến tham dự lễ hội, nơi tổ chức các buổi hội thảo về hội họa, mẹo trang điểm và chăm sóc da, chụp ảnh, âm nhạc và các sự kiện gặp gỡ khác.
Người tóc đỏ chiếm từ 1 đến 2% dân số thế giới, với tần suất cao hơn từ 2 đến 6% ở những người có nguồn gốc Bắc hoặc Tây Bắc Âu.
Lễ hội bắt đầu được tổ chức tại Hà Lan một cách tình cờ sau khi nhà tổ chức và họa sĩ nghiệp dư Bart Rouwenhorst đăng một quảng cáo trên một tờ báo vào năm 2005 về việc tuyển 15 người mẫu tóc đỏ và có 150 người tóc đỏ đã phản hồi về ý tưởng này.
Rouwenhorst - bản thân không phải là người tóc đỏ, quyết định chụp ảnh nhóm với tất cả những người tóc đỏ đã liên lạc. Cuộc tụ họp đó đã thành công và nhận được nhiều sự chú ý đến mức ban tổ chức quyết định biến nó thành một sự kiện thường niên.
Năm 2013, lễ hội đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness Thế giới với tư cách là nơi quy tụ đông đảo những người có mái tóc đỏ tự nhiên với 1.672 người tóc đỏ trong bức ảnh nhóm.
Jonathan Rhys, một giáo sư về da liễu tại Đại học Edinburgh (Anh) cho rằng, màu tóc đỏ là một sự ngẫu nhiên của tiến hoá, không hề qua chọn lọc tự nhiên (mặc dù người ta đã tìm thấy hai người đàn ông Neanderthal cổ đại ở hai vùng cách xa nhau và ở hai thời kỳ khác nhau nhưng có cùng màu tóc này, chứng tỏ tóc đỏ chưa hẳn là ngẫu nhiên).
Mặc dù có số lượng nhỏ và xuất xứ ngẫu nhiên, người tóc đỏ khá nổi tiếng. Một vài nhân vật tên tuổi trong nhóm họ là Columbus, Alexander Đại đế, Leonardo da Vinci, nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha, Winston Churchill (Anh), nữ hoàng Elizabeth I, Galilei, Vladimir Lê Nin... và nhiều người khác để lại những dấu ấn đáng kể trong lịch sử nhân loại.