5 món thịt trâu đặc sản - nổi tiếng thơm ngon

(VOH) - Thịt trâu và thịt bò tương đồng về hình thức và giá trị dinh dưỡng. Dù không phổ biến như thịt bò nhưng thịt trâu vẫn có những vị trí nhất định trong “bản đồ” ẩm thực nước ta.

Trước đây, trâu là con vật được nuôi để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người ta chỉ làm thịt loài vật này khi chúng đã già, không còn khả năng lao động, do đó thịt trâu thường dai, khó ăn hơn so với thịt bò.

Hiện nay, trâu đã được nuôi lấy thịt nhưng mức độ phổ biến của loại thịt này vẫn không bằng thịt bò. Dù vậy, đây vẫn là loại thịt ngon và đặc biệt được chế biến thành nhiều món đặc sản nổi tiếng.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là đặc sản của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, mà cụ thể hơn là món ăn của người dân tộc Thái.

Thịt trâu gác bếp được làm thủ công một cách tỷ mỉ. Để làm món này, người dân bản địa thường sử dụng những mảng thịt thăn to hoặc thịt bắp ở vai, lưng con trâu.

Thịt được cắt hình con chì và ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng và đặc biệt lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng). Sau khi tẩm ướp kỹ, thịt trâu được treo lên trên giàn bếp để hun khói cho óng đen, quắt khô lại.

Thịt trâu gác bếp, voh
Thịt trâu gác bếp (Ảnh: Lã Vọng)

Thịt trâu gác bếp khi hoàn thành thì bên ngoài khô, màu nâu thẫm, bên trong vẫn hồng hào, tươi đỏ. Thịt rất dai, cứng và có mùi đặc biệt của khói bếp.

Loại thịt này có thể giữ được hàng tháng mà không bị hỏng. Người dân địa phương ăn đến đâu hạ  thịt xuống đến đó, đơn giản nhất là luộc lên rồi xé ra ăn lai rai.

Cách ăn thịt trâu gác bếp mỗi nơi một khác. Người dân tộc Thái thường vùi miếng thịt trâu khô vào tro bếp nóng, để khoảng 15 đến 20 phút cho thịt trâu mềm rồi lấy ra để xé ăn. Họ thưởng thức thịt trâu gác bếp với cơm nếp hoặc lai rai cùng rượu cần, rượu ngô trong những ngày đông giá rét. 

Một số nơi thì chế biến thịt trâu gác bếp kiểu khác như hấp cách thủy thịt trâu hoặc nướng trên than hoa hoặc làm nóng bằng lò vi sóng.

Nộm da trâu

Nộm da trâu là một món ăn rất lạ miệng và độc đáo của người Thái ở Sơn La. Nộm da trâu có vị giòn sần sật, không dai, không cứng, có vị măng chua thanh thanh, vị rau rừng hăng hăng, đắng đắng, vị bùi bùi của lạc rang.

Các công đoạn chế biến món ăn này khá công phu. Để làm da trâu mềm và sạch, người ta nướng chín miếng da cho sạch lớp lông dày. Tiếp đó, cạo bỏ lớp ngoài cùng chỉ còn lại miếng da màu vàng trong. 

Da trâu được đem luộc chín vớt ra ngâm nước lạnh cho thêm giòn rồi đem đi thái. Miếng da trâu được thái thành những miếng mỏng và đều, sau đó ngâm qua nước nóng với chút nước cốt chanh cho mềm và thơm.

Sau khi sơ chế xong, da trâu được đem tẩm ướp gia vị như tỏi, mùi (ngò rí), mùi tàu (ngò gai), nước măng chua và lạc rang và các gia vị. Sau đó bày ra đĩa kèm với các loại rau rừng như hoa chuối hay rau dớn...

Thịt trâu nướng ống tre

Người dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thường thích ăn món thịt trâu nướng ống tre/trúc. Trâu nướng ống tre tuy đơn giản nhưng có hương vị thơm ngon độc đáo.

Trong món thịt trâu nướng trong ống tre, miếng thịt trâu tươi sẽ được tẩm ướt gia vị như húng quế, ngò gai, húng lủi, sả, lá é, gừng, tỏi, bột nêm và muối và quả mắc khén.

Sau đó, thịt được cuộn với lá lồm (còn gọi là lá nồm hay lá giang ở Nam Bộ) rồi cho vào ống tre nướng trên bếp than củi cho cháy hết phần tre bên ngoài. Khi ăn chỉ việc chẻ đôi ống tre và gỡ những miếng thịt trâu ra đĩa.

thịt trâu nướng ống tre, voh.com.vn
Thịt trâu nướng trong ống tre (Ảnh: Kiến thức)

Thịt nướng kiểu này sẽ không bị mất nước nên rất ngọt và thơm, đặc biệt, thịt không có mùi khói mà có vị thơm ngọt của thịt bò và các loại lá rừng quyện với mùi ống tre/trúc tươi.

Thịt trâu lá lồm

Thịt trâu nấu lá lồm là một đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Lá lồm mọc hoang dại rất nhiều ở những khu vực núi rừng vùng cao. Lá lồm có vị chua dịu và thanh nhẹ. Người dân Tây Bắc thường sử dụng lá lồm để nấu canh hoặc xào với thịt các loại, trong đó đặc biệt nhất vẫn là thịt trâu.

Để nấu món thịt trâu lá nồm, người dân sẽ đem thui thịt trâu cho thơm, cạo sạch rồi đem thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất. Khi ninh cho lá lồm vào ninh cùng, thêm một ít tấm gạo để tạo độ sánh.

Thịt trâu lá lồm, voh.com
Thịt trâu lá lồm (Ảnh: Internet)

Thịt trâu vốn có mùi ngai ngái nhưng khi nấu cùng với lá lồm tạo ra hương vị hết sức độc đáo, vị chua thanh của lá lồm sẽ át đi mùi gây, mùi ngai ngái đặc trưng của thịt trâu. Lá lồm đóng vai trò như một loại gia vị khử mùi và tăng hương vị cho thịt trâu.

Món ăn này không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang hương vị độc đáo, thô mộc vầ gần gũi. Thịt trâu nấu lá lồm hiện đã vượt ra khỏi vùng Tây Bắc, trở thành một món ăn được yêu thích ở nhiều vùng miền khác nhau.

Thịt trâu nhúng mẻ

Thịt trâu nhúng mẻ là một món ngon đặc sản của miền Tây nhưng món ăn này đã được các địa phương biến tấu theo nhiều cách khác nhau.

Trâu nhúng mẻ muốn ngon thì phải chọn được loại thịt tươi ngon, rồi cắt ngang thớ. Thịt được ướp các gia vị như sả, ớt, tỏi, bột ngọt, muối, đường trong một giờ cho gấm gia vị, sau đó được bày lên đĩa, thêm vài lát hàng tây xát mỏng.

Nước mẻ dùng để nhúng thịt trâu được pha chế sao cho đủ độ chua và không có cảm giác gắt. Nước mẻ được thêm gia vị ớt sả để cân bằng vị mặn, chua, cay.

Khi ăn, nồi mẻ đặc sánh được đặt lên bếp lửa cho sôi tới khi lục bục thì nhúng thịt trâu và rau vào cho chín tới. Các loại rau đặc trưng của miền Tây như bông so đũa, bông điên điển hay bông súng, kèo nèo… là những loại rau không thể thiếu để tăng độ ngon của món ăn này.

Thịt trâu có giá trị dinh dưỡng gần giống thịt bò, tuy nhiên, thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn không độc, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt và có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê, đau lưng, phù chân.

Thịt trâu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, tuy nhiên, không nên ăn nhiều món thịt này bởi thịt chứa rất nhiều đạm và đặc biệt là sắt.

Thịt trâu không tốt đối với một số người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa như đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, gout.

Với người bình thường, không nên ăn quá 300-500 g thịt trâu/tuần. Về cách nấu, nên hạn chế các món rán, nướng, tránh dầu mỡ, tốt nhất là luộc thịt, hầm, nộm.