Trong cuộc trò chuyện cùng Nhân Humanity, NSND Bạch Tuyết đã trải lòng về hành trình gần 70 năm gắn bó với nghệ thuật cải lương và những người thầy vĩ đại đã đặt nền móng cho sự nghiệp của bà.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Cả đời Bạch Tuyết có thể nói chỉ dành để học cải lương từ những người thầy của mình: ba Năm Châu, má Bảy Nam, má Hai Kim Cúc, bà Ba Nhân. Những thầy cô ấy không chỉ dạy hát cải lương mà còn truyền cho tôi những giá trị sâu sắc về lòng yêu thương, sự khiêm nhường và trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng.”
NSND Bạch Tuyết cũng nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa cải lương và văn hóa Việt Nam. Theo bà, nghệ thuật cải lương không chỉ là hình thức giải trí mà còn là phương tiện lưu giữ tinh thần chống ngoại xâm, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà trích dẫn lời của cố nghệ sĩ Năm Châu: “Muốn giỏi tiếng Việt, hãy học cải lương. Bởi qua đó, chúng ta học được tất cả, từ ngôn ngữ bình dân đến ngôn ngữ cung đình, từ đời thường đến những khái niệm bác học.”
Bạch Tuyết nhận định rằng cải lương là nghệ thuật đa tầng, vừa bình dân vừa bác học. Những vở tuồng kinh điển chứa đựng tinh hoa văn học và giá trị văn hóa mà nhiều người vẫn chưa khám phá hết. Bà bày tỏ sự trân trọng với cải lương và khẳng định bản thân vẫn học hỏi mỗi ngày để khám phá thêm những điều mới mẻ từ nghệ thuật này.
“Cứ tưởng mình đã hiểu hết về cải lương, nhưng thực ra càng học, tôi càng nhận ra cải lương sâu sắc và tuyệt vời đến nhường nào,” bà chia sẻ.Với sự nghiệp đồ sộ và tình yêu mãnh liệt dành cho cải lương, NSND Bạch Tuyết đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, đam mê và trách nhiệm trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Những câu chuyện về hành trình học cải lương từ các bậc thầy không chỉ là lời tri ân mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.