Áp lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu? - Kỳ 1

(VOH) - Nhiều bậc phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng cũng như áp lực học tập nặng nề lên các em học sinh. Điều này vô tình lại dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Việc gây áp lực quá mức đến từ cha mẹ và nhà trường đã dẫn đến một số vấn đề tâm lý, biểu hiện trong các giai đoạn khác nhau của lứa tuổi mới lớn đến khi trưởng thành. Bên cạnh hiện tượng tự tử, số lượng học sinh bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng.

Không ở đâu các em phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập như ở Việt Nam. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Việc này khiến các em không có thời gian vui chơi, mà còn khiến không ít em rơi vào các trạng thái bị rối loạn tâm lý, trầm cảm.

Nhiều người luôn cho rằng người lớn bận rộn với công việc, tiền nong… mới phải chịu những áp lực còn trẻ em thì không. Bởi đơn giản chúng chỉ ăn, học và chơi thì lấy đâu ra áp lực. Đây là sai lầm ngay trong chính cách nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh bởi thậm chí, những áp lực mà con đang phải chịu đựng còn lớn hơn cả người lớn...

áp lực của trẻ em
Trẻ em cũng chịu nhiều áp lực không kém gì người lớn. Ảnh minh hoạ

Vậy những áp lực ấy bắt nguồn từ đâu và cách giải quyết chúng như thế nào? Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện tọa đàm dài 2 kỳ với chủ đề “Áp lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu?” với sự tham dự của các vị khách mời:

  • Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM;
  • Bà Nguyễn Ngọc Nhung, Phó Trưởng Ban Thiếu nhi Thành Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM.

* VOH: Trong xã hội hiện đại thì trẻ em chịu áp lực gia đình như thế nào? Các bậc cha mẹ thường gây áp lực cho con trẻ ở khía cạnh nào?

- Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Cha mẹ thật sự kỳ vọng vào con cái rất nhiều. Họ cho rằng con chỉ có việc đi học và đôi khi sẽ nói con rằng chỉ học với chơi thôi mà không xong. Áp lực thứ hai là con cái phải tham gia rất nhiều lớp học thêm. Dường như thời gian ăn cơm với gia đình được 1, 2 bữa trong tuần. Đây là điều rất đáng lo ngại trong mối quan hệ trong gia đình.

Đặc biệt, lứa tuổi này rất nhiều vấn đề phức tạp mà nếu không có thời gian tâm sự với cha mẹ thì thật sự có rất nhiều rắc rối xảy ra. Áp lực này có từ cha mẹ nhưng cũng có từ thầy cô. Có nhiều trường học thật sự là quan tâm đến thành tích, điểm số, phong trào, môn nào cũng nhiều bài tập thành ra các con cũng áp lực đó. Thành ra nhiều cha mẹ nói là tôi không muốn cho con học nhiều nhưng không thể không học. Thì chúng ta cần xem lại việc học ở nhà, việc học ở trường để trẻ cân bằng việc học và vui chơi.

Vấn đề các mối quan hệ của các em. Tại sao tôi nói đây là áp lực. Là vì hiện nay các em dậy thì rất sớm. Khi các con dậy thì sẽ có nhu cầu kết bạn, cặp đôi, yêu, thích này kia. Mặc dù tình yêu tuổi này chưa có gì chắc chắn nhưng các con cứ tưởng đó là tình yêu. Và nó có áp lực là cha mẹ không chấp nhận, cha mẹ phản đối thậm chí phản đối rất dữ dội. Con bị cha mẹ đưa đón đi học để ngắt mối quan hệ này kia đi. Và đôi khi ba mẹ làm con tổn thương trong mối quan hệ này.

Một áp lực nữa liên quan đến vấn đề giới tính, chúng ta ít bàn nhưng thật sự là có. Nhiều em hiện nay có nhu cầu được bộc lộ con người thật của mình, giới tính của mình. Nhưng nhiều cha mẹ có định kiến và rất không thoải mái với chuyện này, bắt con phải thay đổi. Tất nhiên, với mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình sẽ có áp lực riêng.

* VOH: Rõ ràng đây không phải là câu chuyện hiếm gặp ở xã hội hiện nay. Xin mời thêm ý kiến từ ông Đặng Hoa Nam?

- Ông Đặng Hoa Nam: Thời gian gần đây chúng ta ghi nhận nhiều hơn những vụ trẻ em tự tử. Chúng ta cần phải bình tĩnh xem xét để đưa ra giải pháp trước mắt hoặc giải pháp lâu dài. Chúng tôi gọi tên nó là vấn đề xã hội bởi lẽ nó đã là vấn đề xã hội lâu rồi mà bây giờ mới nổi lên ở xã hội hiện đại của chúng ta.

Cũng như bất kì xã hội nào khác chúng ta phải chấp nhận sự sống gấp, sự cạnh tranh, do vậy mà không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng gặp áp lực nhất định. Áp lực từ phía gia đình, áp lực từ bạn bè, áp lực từ nhà trường, thậm chí áp lực từ không gian mạng. Nhưng đó là nguyên nhân dẫn đến gia tăng căn bệnh rối loạn về tâm lí, bệnh tâm thần. Từ đó dẫn đến việc các em có ý muốn, thậm chí là đã tự tử.

Tôi cho rằng, trẻ em có hành vi rối loạn về mặt tâm lí hoặc như rối loạn phát triển cũng như các hành động mà dẫn đến điều không ai mong muốn là tự tử, không chỉ trong gia đình khó khăn thiếu thốn mà ngay cả trong gia đình thậm chí rất đầy đủ về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần.

Do đó không phải áp lực không chỉ từ phía cha mẹ mà trước hết cha mẹ phải hiểu được con, là người phải giúp con trẻ vượt qua những sang chấn, những khó khăn trong cuộc sống.

* VOH: Chương trình cảm ơn ý kiến từ ông Đặng Hoa Nam và mong nghe thêm ý kiến bổ sung từ bà Nguyễn Ngọc Nhung?

- Bà Nguyễn Ngọc Nhung: Trong giai đoạn hiện nay, nếu một bạn học sinh cấp 2, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng thì khó mà vững chãi bước vào tương lai với tốc độ phát triển như hiện nay. Bản thân tôi nghĩ cha mẹ của mình không muốn gây áp lực cho các bạn đâu, mà các bạn phải tạo cho cha mẹ mình một niềm tin là mình cũng đang cố gắng hướng đến cái tốt cái đẹp.

* VOH: Như vậy làm thế nào để các bậc ba mẹ không có vô tình tạo áp lực cho con, gây tác động tiêu cực đến với trẻ mà vẫn có thể dạy con, con trẻ vẫn có thể sống tốt?

- TS Phạm Thị Thúy: Trẻ nhìn vấn đề không đa chiều mà chỉ một phía, theo định kiến cá nhân. Cho nên trẻ nghĩ phải thế này mới tốt, phải thế này cha mẹ mới hài lòng chứ nếu không đạt ra được mục tiêu tự tạo thì cha mẹ không hài lòng, cha mẹ không vui.

Giống như anh Hoa Nam nói là ảnh hưởng từ truyền thông, ảnh hưởng từ sự thành công trên truyền thông, trên mạng xã hội, thế thì hỏi các con các con nói con muốn nhiều tiền, muốn nổi tiếng. Thành ra chính các con tạo áp lực cho mình chứ không kì vọng gì cả. Cái quan trọng là mình thay đổi bản thân trước chứ không thể bắt đứa trẻ thay đổi theo ý chúng ta được.

Tôi cho rằng dành thời gian trò chuyện với con rất quan trọng để chúng ta nắm bắt được tâm tư của trẻ và chúng ta theo kịp sự phát triển của trẻ. Thật ra nhiều cha mẹ hiện nay đang hơi chậm so với sự phát triển của trẻ. Cha mẹ phải là người đi cùng con, đồng hành cùng con, lớn lên cùng con mới có thể hiểu tâm tư tình cảm của các cháu. Thì từ đó mình mới có cách tư vấn, định hướng phù hợp. Mọi mối quan hệ của con mình phải nắm bắt được. Điều thứ hai, cha mẹ phải biết con mình có bất kì hành vi nào cần điều chỉnh thì mình phải là người thay đổi trước. Bố mẹ thay đổi thì con thay đổi. Đứa trẻ phát triển như thế nào trách nhiệm phần lớn của chúng ta.

* VOH: Như ông Nam nói từ đầu chương trình là chúng ta cũng có nhiều trường hợp rất thương tâm. Các em chọn con đường tiêu cực như tự vẫn chẳng hạn. Như vậy thì lời cảnh tỉnh cho ba mẹ là gì?

- Ông Đặng Hoa Nam: Muốn làm cha mẹ đúng cách thì phải học mà rất nhiều nhưng cha mẹ hay quên điều này. Học không chỉ học về mặt kiến thức mà phải rèn luyện nữa. Ví dụ như rèn luyện kiềm chế cơn nóng giận. Nói thì dễ nhưng làm thì khó.

Do đó tôi có lời khuyên mà hiện nay xu thế trong xã hội là tốt rồi đấy, đó là đi tìm kiếm thông tin trên mạng, đi tìm những lớp, câu lạc bộ, nhóm, để không chỉ học mà cùng nhau trải nghiệm những kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ.

Vấn đề thứ hai là phần kiến thức làm cha mẹ nhưng tôi muốn nói là làm sao cha mẹ không chỉ làm bạn mà còn tôn trọng cho dù đó là đứa trẻ 5 tuổi, 4 tuổi. Bởi vì mỗi một con người đều có nhu cầu, ý kiến, nguyện vọng riêng thì làm sao chúng ta làm bạn cùng con, chúng ta thấu hiểu. Và mỗi đứa trẻ là cá thể.

Khi con bắt đầu có nhận thức có sự khôn lớn thì phải cùng nhau coi con là người bạn ở chỗ là cùng thảo luận, cùng tìm giải pháp, để giải quyết những vấn đề không chỉ cùa con đâu mà còn là vấn đề của chính chúng ta, của gia đình chúng ta nữa.

Thứ ba, trẻ em không chỉ cần chăm sóc về mặt vật chất mà còn cần chăm sóc về mặt tinh thần. Cần sự chia sẻ, cần sự thấu hiểu. Cha mẹ không nên tạo cái bóng cho con mình. Và có lẽ thành công không quan trọng bằng hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà tất cả mọi người cùng hướng tới.

* VOH: Đó là ý kiến của các vị khách mời ngày hôm nay khi chúng ta nói về câu chuyện là ba mẹ thường gây áp lực cho con trẻ. Trân trọng cám ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.

(Còn tiếp)

Bình luận