Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong 11 năm liên tiếp, khu vực này ghi nhận sự thay đổi nhiệt độ và môi trường diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, tạo ra một "tình trạng mới" không giống với bất kỳ điều gì trong thế kỷ 20. Những biến đổi này đang gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, động vật hoang dã và cộng đồng cư dân bản địa ở Bắc Cực.
Một trong những biểu hiện rõ rệt của sự biến đổi này là mùa tuyết ở Bắc Cực đã rút ngắn khoảng 1-2 tuần so với mức thông thường. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong các mùa, như năm 2024, một số khu vực Bắc Cực ở Canada trải qua mùa tuyết ngắn hơn, trong khi các khu vực khác ở lục địa Á-Âu lại có tuyết dài hơn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những thay đổi này không chỉ gây khó khăn cho động vật hoang dã mà còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng bản địa, đặc biệt là những nhóm phụ thuộc vào quần thể tuần lộc.
Số lượng tuần lộc ở Bắc Cực giảm khoảng 65% kể từ những năm 1990-2000, gây ra một thách thức lớn đối với người dân địa phương, những người phụ thuộc vào chúng không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn là biểu tượng văn hóa.
Những thay đổi này cũng khiến các chuyên gia nghiên cứu khuyến cáo rằng hành động quyết đoán để đối phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện ngay lập tức, nếu không sẽ còn quá muộn.
Năm 2024, Bắc Cực ghi nhận nhiệt độ không khí bề mặt cao thứ hai kể từ năm 1900. Nhiệt độ biển cũng cao hơn 2-4 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020, dẫn đến tình trạng băng biển tiếp tục suy giảm.
Thực tế, băng biển đã chuyển từ trạng thái cứng chắc sang một lớp băng mềm, dễ tan. Sự tan chảy này tạo cơ hội cho giao thông hàng hải qua Bắc Cực, với một tàu container lớn của Trung Quốc trở thành tàu đầu tiên hoàn thành hành trình qua tuyến đường Biển Bắc.