Bạn có biết căn bệnh thầm lặng này tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

VOH - Hiện nay, đột quỵ ở người trẻ ngày càng phổ biến, chiếm 7,2% tổng số ca đột quỵ tại Việt Nam.

Trong đó, 78% trường hợp là do tăng huyết áp – một căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

Theo bác sĩ Mai Hồng Thịnh từ CDC An Giang, tăng huyết áp làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, đồng thời ảnh hưởng đến các cơ quan như não và tim. Điều này gia tăng nguy cơ đột quỵ và các biến chứng tim mạch, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và tuổi thọ của người trẻ.

dot quy tre 2024
Ảnh minh hoạ

Tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2022, dữ liệu cho thấy hơn 12,2 triệu ca đột quỵ mỗi năm trên toàn cầu xảy ra ở người dưới 45 tuổi, và hơn 6% trong số các ca tử vong vì đột quỵ là người trẻ.

Tăng huyết áp ở người trẻ thường không có triệu chứng điển hình, nên nhiều trường hợp chỉ phát hiện tình cờ qua các đợt khám sức khỏe. Bác sĩ Thịnh cho biết, người trẻ bị tăng huyết áp có thể gặp các biểu hiện như dễ nóng giận, khó kiềm chế cảm xúc, mất tập trung – những dấu hiệu ít ai nghĩ đến khi nhắc đến tăng huyết áp.

So với người lớn tuổi, người trẻ bị tăng huyết áp có chỉ số huyết áp thường ở mức dưới cao (ví dụ 120/95 mmHg) thay vì tăng ở chỉ số trên. Ngoài ra, tăng huyết áp còn gây ra các biến chứng khác như rối loạn chức năng tình dục, với tỷ lệ cao hơn 2,5 lần so với người không mắc bệnh. Đặc biệt, biến chứng này còn nghiêm trọng hơn nếu người bệnh đồng thời mắc các bệnh lý như đái tháo đường hay bệnh thận mãn tính.

Nguyên nhân của tăng huyết áp ở người trẻ có thể bao gồm các bệnh lý tiềm ẩn như hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, và các yếu tố lối sống như thừa cân, ít vận động, sử dụng thuốc lá và rượu bia. Thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiều dầu mỡ và muối cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Để phòng ngừa tăng huyết áp, bác sĩ khuyến nghị người trẻ duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh:

  • Ăn nhiều rau củ, hạn chế đồ mặn và chất béo xấu
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Tránh sử dụng rượu, bia và thuốc lá
  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp và quản lý tốt các yếu tố gây căng thẳng.

Bên cạnh đó, người trẻ cần thường xuyên kiểm tra huyết áp để theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Với những ai có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh huyết áp, cần chú ý đặc biệt và tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ.

Với đột quỵ, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người trẻ không nên chủ quan mà cần xây dựng lối sống lành mạnh, chủ động theo dõi sức khỏe để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh “âm thầm” này.

Bình luận