Chờ...

Burger King thua kiện nhà hàng Ấn Độ cùng tên sau vụ kiện kéo dài 13 năm

VOH - Một tòa án ở Ấn Độ ra phán quyết về vụ kiện kéo dài 13 năm giữa thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ Burger King và một nhà hàng ở trong nước. Kết quả Burger King thua kiện.

Một tòa án Ấn Độ đã bác bỏ đơn kiện của Tập đoàn Burger King đệ trình với cáo buộc một nhà hàng cùng tên ở thành phố Pune, thuộc tiểu bang Maharashtra của nước này vi phạm độc quyền nhãn hiệu, theo tờ Independent đưa tin.

Theo phán quyết của tòa, nhà hàng ở Ấn Độ đã hoạt động từ năm 1992 - tức nhiều năm trước khi Burger King của Mỹ bắt đầu kinh doanh tại quốc gia này.

Tập đoàn Burger King được thành lập vào năm 1953 với tên gọi Insta-Burger King và đổi tên thành Burger King vào năm 1959. Tập đoàn này thâm nhập thị trường Ấn Độ vào tháng 11/2014, mở cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Delhi và năm tiếp theo có mặt tại thành phố Pune.

Khi phát hiện một nhà hàng ở Pune, do cặp đôi Anahita Irani và Shapoor Irani làm chủ, cũng đang sử dụng tên Burger King để kinh doanh, phía tập đoàn của Mỹ cho biết đã gửi thông báo yêu cầu ngừng hoạt động vào năm 2009. 

Phía Irani trả lời rằng tập đoàn không thể yêu cầu bất kỳ quyền lợi nào theo luật định vì tại thời điểm đó không có nhà hàng nào của Burger King đang hoạt động ở Ấn Độ. 

WhatsApp-Image-2024-08-18-at-18
Nhà hàng Burger King ở Ấn Độ cho biết đã kinh doanh từ năm 1992 và vào thời điểm đó không có cửa hàng nào của Tập đoàn Burger King của Mỹ hoạt động - Ảnh: The Indian Express

Năm 2011, Tập đoàn Burger King đã đệ đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, tuyên bố rằng nhà hàng ở Pune đã vi phạm nhãn hiệu của mình.

Phía bị đơn Irani lập luận rằng mình đã sử dụng tên này từ năm 1992, hơn một thập kỷ trước khi chuỗi nhà hàng Mỹ đến Ấn Độ. Logo của họ khác biệt và điều đó không khiến bất kỳ ai nhầm lẫn nhà hàng Pune với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh toàn cầu.

Tuy nhiên, khi vụ án kéo dài, Irani đã đổi tên nhà hàng của mình thành Burger, đồng thời cũng phản tố gã khổng lồ thức ăn nhanh, yêu cầu bồi thường thiệt hại 2 triệu Rupee (khoảng 24.000 USD) với lý do vụ kiện đã gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ. Song yêu cầu này đã bị tòa án bác bỏ vì nhà hàng đã "không cung cấp bằng chứng hỗ trợ để chứng minh thiệt hại thực tế gây ra".

1723971323_new-project-2024-08-18t142511-192
Một cửa hàng của tập đoàn thức ăn nhanh nổi tiếng Burger King của Mỹ ở Ấn Độ - Ảnh: Telegraph India

Đối với vụ kiện do Tập đoàn Burger King đệ trình, tòa án cho biết công ty đã "thất bại thảm hại" trong việc chứng minh hành vi vi phạm nhãn hiệu. Do đó, công ty không được hưởng bất kỳ khoản bồi thường nào và nhà hàng Pune được tự do sử dụng tên này.

"Khi không có bằng chứng thuyết phục, tôi thấy rằng nguyên đơn không có quyền được hưởng bồi thường thiệt hại, các biện pháp khắc phục và lệnh cấm dùng tên vĩnh viễn", thẩm phán quận Sunil Vedpathak, người thụ lý vụ án, cho biết.