Chờ...

Cá voi xám xuất hiện ở Đại Tây Dương sau 200 năm

VOH - Sự ấm lên toàn cầu khiến Hành lang Tây Bắc không có băng vào mùa hè, cung cấp tuyến đường tự do cho cá voi xám bơi vào Đại Tây Dương sau hơn 200 năm.

Bộ phận khảo sát đại dương từ trên không của thủy cung New England vừa bắt gặp loài cá voi xám được cho là tuyệt chủng cách đây hơn 200 năm.

Con cá voi xám xuất hiện ngày 5/3 ngoài khơi bờ biển Nantucket, một hòn đảo ở tiểu bang Massachusetts, thuộc khu vực New England (Mỹ).

Cá voi xám được tìm thấy chủ yếu ở phía bắc Thái Bình Dương, chúng biến mất hoàn toàn khỏi Đại Tây Dương vào thế kỷ 18.

Ban đầu các nhà khoa học không chắc liệu con cá voi mà họ nhìn thấy có phải là cá voi xám hay không. Cá voi xám không có vây lưng nhưng có bướu trên lưng kèm một đường gờ rõ rệt. Chúng sở hữu làn da màu xám với nhiều đốm trắng.

Con cá voi xám nói trên liên tục lặn xuống và ngoi lên gần mặt nước, các nhà khoa học cho rằng nó đang tìm kiếm thức ăn. Họ điều khiển trực thăng bay vòng quanh khu vực trong 45 phút để quay phim và chụp hình sinh vật hiếm thấy này.

Sự xuất hiện của loài động vật được cho là đã tuyệt chủng cách đây hơn 200 năm khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ.

Bà Kate Laemmle, kỹ thuật viên nghiên cứu có mặt trên trực thăng vào thời điểm đó, nhớ lại: “Bộ não của tôi cố gắng xử lý những gì tôi nhìn thấy bởi vì con vật này đáng lẽ ra không thể xuất hiện tại vùng biển Đại Tây Dương”.

Cá voi xám xuất hiện ở Đại Tây Dương sau 200 năm
Cá voi xám bơi ở vùng biển gần đảo Nantucket, Đại Tây Dương - Ảnh: Thủy cung New England

Có 5 trường hợp báo cáo nhìn thấy sinh vật nghi là cá voi xám ở vùng biển Đại Tây Dương và Địa Trung Hải trong 15 năm qua.

Dù phát triển mạnh ở Thái Bình Dương, cá voi xám đã vắng bóng ở Đại Tây Dương từ những năm 1700.  Biến đổi khí hậu có thể là lý do khiến cá voi xám có dấu hiệu quay trở lại Đại Tây Dương.

Giới khoa học tin rằng nhiệt độ toàn cầu tăng lên là một trong những yếu tố tác động đến tập tính của cá voi xám.

Băng ở vùng biển Alaska và Bắc Cực ảnh hưởng đến phạm vi phân bố của loài cá voi xám bởi đây là điều kiện sống lý tưởng của chúng. Khi băng tan chảy vào mùa hè do biến đổi khí hậu, cá voi xám ngay lập tức ứng phó bằng cách di cư sang vùng biển khác.

Nước biển ấm lên khiến các chuyên gia khí hậu lo ngại nhiều vấn đề như bão mạnh lên, rạn san hô bị tàn phá và băng biển tan chảy. Biến đổi khí hậu cũng tác động đáng kể đến những loài cá voi khác ngoài cá voi xám. Ví dụ, cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương, loài vật thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đang ngày càng nhỏ đi vì khí hậu ấm lên khiến thức ăn của chúng khan hiếm.