Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc chứng kiến sức hút sụt giảm mạnh

HÀN QUỐC - Shinsegae Duty Free tại Busan sắp đóng cửa, được báo hiệu là sự bắt đầu cho việc đóng cửa của các thương hiệu miễn thuế vốn chịu áp lực từ giai đoạn đại dịch Covid-19.

Cơ sở bán hàng miễn thuế của thương hiệu Shinsegae Duty Free tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc) sẽ đóng cửa vào ngày 24/1 tới sau 12 năm khai trương.

Giới chuyên gia phân tích sự kiện đóng cửa Shinsegae Duty Free tại Busan là màn mở đầu cho việc đóng cửa của các thương hiệu miễn thuế, phản ánh tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp này, bắt đầu từ thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát.

duty-free-5-3
Thương hiệu Shinsegae Duty Free, Hàn Quốc

Shinsegae DF, đơn vị điều hành Shinsegae Duty Free, cho biết đã ra thông báo và tiến hành đàm phán trả lại giấy phép kinh doanh đặc biệt cho các thương hiệu từ đầu tháng 1/2025, khi tình hình kinh doanh ảm đạm. Việc chấm dứt giấy phép kinh doanh đặc biệt sẽ có hiệu lực ngay khi hết giờ làm việc của ngày 24/1 tới.

Kinh doanh sụt giảm mạnh khiến Shinsegae Duty Free thực hiện phương thức quản lý tình trạng khẩn cấp trong giai đoạn nửa cuối năm 2024. Chi nhánh này đã chuyển 25% diện tích cửa hàng miễn thuế sang kinh doanh bách hóa, ngày làm việc được rút ngắn từ 7 ngày một tuần xuống còn 5 ngày một tuần và áp dụng chế độ cho phép nhân viên thôi việc tự nguyện để chuẩn bị cho việc đóng cửa.

Chi nhánh tại Busan là cửa hàng miễn thuế đầu tiên của Shinsegae ở trung tâm thành phố Busan. Chi nhánh này từng trải qua thời kỳ đỉnh cao khi đạt doanh thu hơn 100 tỷ won (67,8 triệu USD) mỗi năm.

Giới chuyên môn cho rằng các trung tâm bán hàng miễn thuế gặp khó khăn do không vượt qua được làn sóng nhu cầu giảm và tỷ giá hối đoái cao. Bắt đầu từ chi nhánh Busan, dự kiến sẽ có thêm những cửa hàng miễn thuế khác tiếp tục công bố đóng cửa.

Lượng du khách đến Hàn Quốc không sụt giảm nhiều. Số liệu từ Tổng cục du lịch Hàn Quốc cho thấy lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này trong giai đoạn từ tháng 1-10/2024 là 13,74 triệu người, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhu cầu đến các cửa hàng miễn thuế đã giảm mạnh. Riêng quý 3 năm 2024, các trung tâm miễn thuế lớn là Lotte, Shilla, Shinsegae và Hyundai Duty Free báo lỗ vượt mức 100 tỷ won.

Theo phân tích, nguyên nhân được cho là do người nước ngoài không thể đến Hàn Quốc trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã quen với việc mua hàng trực tuyến và thị hiếu mua sắm đã thay đổi. Họ thay vì chọn các cửa hàng miễn thuế với số lượng thương hiệu hạn chế chuyển sang các mặt hàng có thể mua không giới hạn tại những cửa hàng tiện lợi như Olive Young và Daiso.

Nguyên nhân khác là do tỷ giá hối đoái giữa đồng won với USD đã tăng vọt sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố đêm 3/12, cả 2 yếu tố cũng khiến tình hình kinh doanh thêm sa sút.

Một lý do khác khiến các cửa hàng miễn thuế khó cạnh tranh là quy định cấp phép kinh doanh đặc biệt của những thương hiệu lớn rất chặt chẽ, khó có thể linh hoạt về địa điểm kinh doanh. Mỗi giấy phép kinh doanh thường được cấp trong thời hạn 5 năm với các điều kiện vô cùng chặt chẽ.

Các cửa hàng miễn thuế có mô hình kinh doanh mua hàng trước rồi mới bán lại do đó cần nguồn vốn lớn để trữ hàng. Đơn cử một cửa hàng miễn thuế ở Myeongdong, lượng hàng mua sẵn trong kho có giá trị lên tới cả nghìn tỷ won.

Việc thay đổi xu hướng mua sắm ở khách du lịch đã khiến nhu cầu đối với hàng xa xỉ, vốn là lợi thế của các cửa hàng miễn thuế, sụt giảm. Du khách ghé thăm các cửa hàng tiện lợi thay vì những cửa hàng miễn thuế thường đóng tại các địa điểm riêng biệt.

Bình luận