Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ hát karaoke

(VOH) - Hát karaoke là một trong những nguyên nhân gây lây nhiễm bệnh đường hô hấp. Vậy làm cách nào để phòng tránh?

Hát karaoke là hình thức giải trí phổ biến hiện nay. Việc ghé sát miệng khi hát không tránh khỏi nước bọt bắn vào micro làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp, đặc biệt khi phòng karaoke lại kém thông khí.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - môi trường kín, kém thông khí như phòng karaoke rất dễ lây nhiễm bệnh đường hô hấp bằng cả hai đường hít thở và tiếp xúc.

Thực tế, nhiều người khi hát karaoke thường ghé sát môi vào micro để độ khuếch đại của âm thanh phát ra rõ nét và hay hơn. Tuy nhiên, việc này lại khiến nước bọt bắn rồi tích tụ lại trên bề mặt micro và lớp đệm bên trong.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ hát karaoke 1
Nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ hát karaoke - Nguồn ảnh: Internet

Bác sĩ Minh cho biết: “Micro có cấu hình bên ngoài là lưới, còn bên trong lại kín với nhiều linh kiện điện tử. Khi chúng ta hát thì giọt bắn sẽ bám vào bề mặt bên ngoài và bên trong của micro, lâu ngày làm phát triển một số bệnh lây nhiễm, nhất là bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, tay cầm của micro cũng là vật thể lây nhiễm".

Cũng theo bác sĩ Minh, khi chúng ta tống một lượng hơi lớn và mạnh thì với những vi rút có độc lực mạnh, dễ lây lan "đang trú" bên trong micro có thể phát tán ra môi trường bên ngoài rồi chúng ta hít phải. 

Tuy nhiên con đường lây nhiễm này chiếm tỉ lệ thấp, mà chủ yếu tiếp xúc môi trực tiếp vào micro.

Những năm gần đây, vi rút SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng và gây nên đại dịch toàn cầu. Vi rút này có thể sống trong môi trường kim loại trong 48 tiếng đồng hồ, còn ở môi trường không khí thì từ 10 phút đến vài tiếng. Do đó, nếu chúng "có mặt" ở micro hay tồn tại trong môi trường kín như quán karaoke thì rất dễ lây lan.

Để hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh đường hô hấp từ chiếc micro, dù tỉ lệ này rất ít, bác sĩ Minh khuyến cáo, người sử dụng không nên ghé môi, chạm da mặt vào micro. Cần phải thay vỏ bọc micro (có thể bằng xốp hoặc bằng vải) sau mỗi vài lần sử dụng để hạn chế nước bọt bắn vào micro rồi tích tụ ở bên trong micro, đồng thời nên vệ sinh phần tay cầm của micro thường xuyên.