Chờ...

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò online

(VOH) – Một hình thức lừa đảo mới liên quan đến việc mời gọi người tham gia vào ứng dụng hẹn hò online nhằm chiếm đoạt tiền vừa được Công an TPHCM phát thông tin cảnh báo.

Gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM đã đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến việc mời gọi người tham gia làm thành viên Dịch vụ hẹn hò online qua ứng dụng mạng xã hội Telegram.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò online 1
Các đối tượng tạo ra các bài quảng cáo, mời gọi người tham gia làm thành viên Dịch vụ hẹn hò online qua ứng dụng để lừa đảo - Ảnh: vinatexcollege

Theo Công an TPHCM, các đối tượng tạo ra các bài quảng cáo, mời gọi người tham gia làm thành viên Dịch vụ hẹn hò online qua ứng dụng trên. Người tham gia được cung cấp đường link để truy cập thực hiện việc đăng ký tài khoản, nộp lệ phí để trở thành thanh viên gói VIP.

Sau khi đăng ký thành công, người tham gia được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận hoa hồng bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống.

Khi người tham gia lựa chọn gói dịch vụ và nộp tiền, hệ thống sẽ thông báo sai dữ liệu, tài khoản bị khóa. Muốn phục hồi và mở tài khoản, phải nộp thêm tiền. Sau khi nộp tiền, người tham gia mới được cấp Thẻ thành viên hẹn hò.

Từ đây, những người tham gia ứng dụng này sẽ bị các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định để hoàn thành nhiệm vụ, nhận hoa hồng. Tuy nhiên, khi người tham gia chuyển tiền thì các đối tượng thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt.

Công an TPHCM cảnh báo đây là phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới có thể gây thiệt hại rất lớn về vật chất, tinh thần của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Người dân cần phải hết sức cảnh giác với loại tội phạm này. Nếu gặp phải trường hợp như trên cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các chiêu trò lừa đảo cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù người dân đã được cảnh báo liên tục, nhưng các đối tượng lừa đảo luôn dùng những chiêu trò mới khiến không ít người “sập bẫy”, gây thiệt hại hàng trăm, hàng tỷ đồng.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò online 2
Các chiêu trò lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi hơn - Ảnh: Báo Chính phủ

Những chiêu trò lừa đảo phổ biến trên không gian mạng phổ biến là:

  1. Giả mạo thương hiệu của các tổ chức (Ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân.
  2. Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn,…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
  3. Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm mục đích vay tiền, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền
  4. Sử dụng các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo.
  5. Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.
  6. Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
  7. Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên.
  8. Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu View, câu Like và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo…
  9. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm…).
  10. Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư.
  11. Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại (tiện ích mở rộng cho trình duyệt, phần mềm bẻ khóa - crack).
  12. Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.
  13. Thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản.
  14. Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân.
  15. Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  16. Giả danh nhân viên công ty tài chính gọi điện hướng dẫn “hủy thẻ tín dụng hoặc đóng phí thường niên” để chiếm đoạt tiền có trong tài khoản.