Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam từ Nam Định trong tình trạng ngộ độc nặng do sử dụng củ ấu tàu (còn gọi là ấu tẩu) để chữa bệnh xương khớp. Dù đã sử dụng củ này từ lâu như một bài thuốc dân gian, lần này ông bất ngờ ngất xỉu, tê bì chân tay và mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Theo lời kể, người đàn ông này thường xuyên sử dụng củ ấu tàu từ thời trẻ để cải thiện sức chịu đựng và giảm đau khi tập võ - phương pháp được bạn bè truyền tai.
Mỗi lần sử dụng, ông luộc kỹ củ ấu tàu, ăn củ và uống cả nước, tin rằng lượng nhỏ sẽ không gây hại.
Người bệnh tin rằng nếu xuất hiện hiện tượng tê bì khi ăn củ ấu tàu thì chạy hoặc nhờ người tác động lực vào mình để toát mồ hôi sẽ khỏi. Tuy nhiên, lần này sau khi ăn, triệu chứng tê bì xuất hiện nghiêm trọng hơn. Dù đã chạy bộ nhiều vòng, nhờ người tác động vật lý, và chủ động gây nôn để giảm độc, tình trạng vẫn không cải thiện mà còn trở nặng, dẫn đến ngất xỉu và mất kiểm soát cơ thể.
Bệnh nhân sau đó được chuyển cấp cứu tại tuyến huyện trước khi chuyển gấp đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm độc aconitin, một chất cực độc có trong củ ấu tàu, đồng thời phát hiện dấu hiệu tổn thương cơ tim. Nhờ được cấp cứu kịp thời, sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định và hồi phục tốt.
ThS.BS Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Củ ấu tàu chứa aconitin – một chất độc bảng A, chỉ 1mg đã có thể gây ngộ độc nặng, 2-3mg đủ để gây tử vong ở người trưởng thành.”
Triệu chứng ngộ độc thường khởi phát nhanh với cảm giác tê bì môi, lưỡi, tứ chi, đau bụng, nôn mửa, và tiêu chảy. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn và tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Chỉ dùng củ ấu tàu ngoài da
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cảnh báo: "Củ ấu tàu trong Đông y thường dùng để xoa bóp, không nên ăn hoặc uống vì độc tính cao và nguy cơ khó kiểm soát hàm lượng aconitin. Ngay cả dạng đã qua bào chế cũng tiềm ẩn rủi ro."
Tại Việt Nam, củ ấu tàu thường được bán ở dạng thô (củ nguyên hoặc thái lát), dễ nhận biết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc y học cổ truyền dạng viên. Xét nghiệm mẫu thuốc và nước tiểu cho thấy sự hiện diện của độc tố aconitin.
Bác sĩ cảnh báo cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng các chế phẩm từ củ ấu tàu. Tuyệt đối không tự ý chế biến củ ấu tàu thành món ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Rượu ngâm củ ấu tàu không nên được sử dụng để uống vì nguy cơ ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu dùng để xoa bóp cần được dán nhãn đầy đủ, bảo quản an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
Khi xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc như tê bì, choáng váng, nôn mửa hoặc đau bụng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không tự xử lý tại nhà hoặc sử dụng các biện pháp dân gian để điều trị.