Trong khảo sát của nền tảng dịch vụ việc làm CVGenius (Anh), 1/3 người dưới 27 tuổi được khảo sát đã thừa nhận mình cố tình không xuất hiện trong ngày làm việc đầu tiên.
Hiện tượng có tên gọi career catfishing này đang phổ biến và nhận các luồng ý kiến trái chiều xoay quanh văn hóa doanh nghiệp và đạo đức trong công việc.
Đại diện của CVGenius nói những người thuộc hiện tượng này “lựa chọn bản thân hơn là công việc”. Họ thể hiện quyền tự chủ tức là khẳng định không bị ràng buộc hay kiểm soát bởi các yêu cầu của công ty.
Các chuyên gia nhân sự phân tích rằng Gen Z quan tâm nhiều đến nhu cầu và mục tiêu cá nhân hơn là phải tuân theo những yêu cầu của văn hóa doanh nghiệp.
Gen Z cũng là nhóm rộng lớn có mặt trong các xu hướng quiet quitting làm việc tối thiểu và coffee badging vào văn phòng chỉ để quẹt thẻ rồi về. Các xu hướng này báo động họ không ngại vượt qua giới hạn để bảo vệ cuộc sống cá nhân. Tình trạng này cũng phản ánh khả năng họ sẵn sàng thất nghiệp cho đến khi tìm được công việc và mức lương phù hợp.
Alice Raspin, 20 tuổi, “nổi như cồn » trên TikTok khi từ chối công việc có mức lương 37.500 USD mỗi năm. Cô từ chối vì nhận xét mức lương chưa đủ cao để chi trả cho cuộc sống trong thời kỳ lạm phát tăng trên toàn cầu.
Làn sóng career catfishing là một sự đối lập, một phản ứng ngược lại với xu hướng office ghosting, là việc nhà tuyển dụng đột ngột ngừng liên lạc mà không báo trước.
Nền tảng việc làm Indeed năm 2023 cũng tiến hành một khảo sát trong đó chỉ ra 3/4 nhân viên ở Anh từng im lặng biến mất với các nhà tuyển dụng. Những nguyên nhân đưa ra là họ cảm thấy công việc không rõ ràng, mô tả công việc không chính xác hoặc nhà tuyển dụng phản hồi chậm.
Làn sóng trốn nhận việc được các chuyên gia cảnh báo có thể gây ra hậu quả lâu dài. Đầu tiên dễ thấy nhất là các nhà tuyển dụng nhìn Gen Z theo một định kiến rằng đây là thế hệ những người khó làm việc với các vấn đề như thái độ đòi hỏi quá mức và thiếu động lực. Báo cáo từ nền tảng tạo hồ sơ xin việc Resume Builder chỉ ra điều này.
Ấn tượng tiêu cực này có thể khiến người trẻ khó xây dựng được lòng tin với các nhà tuyển dụng trong tương lai. Đến một lúc, khi số lượng việc làm giảm và cạnh tranh ngày càng tăng, việc từ chối công việc hoặc không đến làm có thể phản tác dụng.
Thị trường việc làm năm 2025 được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn khi số lượng đơn xin việc đã tăng 24% so với năm trước, theo khảo sát tạp chí Fortune.