Chỉ thị 19 đã đi vào cuộc sống bằng hành động cụ thể

(VOH) - Đã một thời gian dài, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM diễn ra thường xuyên và đáng báo động tại các khu dân cư, công trường xây dựng, trên đường phố và nơi công cộng.

Nguyên nhân chính là ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận người dân còn kém... 

Từ thực tế đó, Tháng 10/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 19 về thực hiện  Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Sau 2 năm triển khai, Chỉ thị 19 đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân; Thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Mỗi người dân thành phố là một tấm gương sáng trong việc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được cũng như có định hướng để triển khai sâu rộng Chỉ thị 19 trong thời gian tới, VOH phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa bà, Chỉ thị 19 đã được triển khai vào thực tế hơn 2 năm, theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, chỉ thị đã ghi dấu những điểm nổi bật gì khi đi vào cuộc sống?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: 2 năm triển khai chỉ thị 19 về cuộc vận động “ Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” của Ban thường vụ Thành ủy cho thấy đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Cụ thể là vấn đề nhận thức, trách nhiệm.

Thông qua việc triển khai chỉ thị đã thúc đẩy được trách nhiệm, sự quan tâm nỗ lực và quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan đơn vị cũng như sự đồng hành của các tổ chức chính trị xã hội.

Đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người dân thành phố về bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân thành phố bằng những hành động thiết thực.

Điển hình là việc tham gia đối thoại ở cấp địa phương, hiến kế cho địa phương trong bảo vệ môi trường, tham gia xóa và chuyển hóa các điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh chuyển biến nhận thức, trách nhiệm thì có những hành động thiết thực diễn ra hằng ngày.

Người dân ký cam kết không xả thải rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định.

Đồng thời, chính quyền địa phương vận động người dân lắp đặt camera giám sát, tăng cường việc xử phạt vi phạm hành chính; Tổ chức hệ thống tiếp nhận, xử lý nhanh các phản ánh về môi trường của người dân, để kịp thời có sự tiếp cận, nắm thông tin và giải quyết, xử lý đối với những phản ánh.

Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chỉ thị cũng được các cấp chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, thống nhất và thường xuyên.

Phương thức tuyên truyền đa dạng. Đặc biệt nhất, người dân địa phương là những tuyên truyền viên tích cực.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác cũng có sự hỗ trợ tích cực, góp phần giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn thành phố, không để tồn đọng rác, góp phần cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường thành phố.

*VOH: Sau 2 năm triển khai chỉ thị 19 vào cuộc sống, theo bà có những bài học kinh nghiệm nào ngành tài nguyên và môi trường thành phố?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Thứ nhất, sự thành công của công tác bảo vệ môi trường nói chung trên địa bàn thành phố liên quan đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và nhận thức của cộng đồng đồng. Đây là điều kiện hết sức tiên quyết.

Do đó, để công tác triển khai chỉ thị hiệu quả hơn thì cần phải thúc đẩy, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội cũng như tích cực vận động, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân thành phố.

Thứ hai là vấn đề truyền thông. Đây là vấn đề cần quan tâm để có thể thay đổi được hành vi xã hội về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều nguồn lực trong xã hội.

Thứ ba, khi triển khai cuộc vận động thì phải cụ thể hóa bằng những hành động, giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là khẩu hiệu. Từ những hành động thiết thực mới thu hút được sự tham gia của cộng đồng.

Thứ tư, trong quá trình triển khai chỉ thị 19 thì phải đi đôi với công tác xử phạt thật nghiêm minh.

*VOH: Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng thì cần kết hợp các chế tài thật hợp lý và đủ mạnh. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có định hướng gì để triển khai sâu và rộng Chỉ thị 19 trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, giao cho các sở, ngành, UBND quận huyện triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước tiên là phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với đa dạng các hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường việc tham gia của các thành phần trong khu dân cư, đặc biệt là công nhân, người lao động thông qua các phong trào, sự kiện bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

Thứ hai là tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động và thiết lập một hệ thống về tái chế để phục vụ người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Thứ ba là tăng cường trách nhiệm của Quận ủy, Huyện ủy trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường, nhằm đưa phong trào giảm chất thải nhựa trên địa bàn thành phố đi vào thực chất và hướng đến mục tiêu, đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương gương mẫu, tích cực và đi đầu trong công tác này.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể nhằm triển khai nghiêm túc và hiệu quả các công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi gây mất vệ sinh môi trường.

Song song đó, cũng có những giải pháp đổi mới phương pháp đối thoại, duy trì và mở rộng đối tượng đối thoại, không chỉ có các hộ dân trong khu dân cư mà bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, đối thoại về thực trạng vệ sinh môi trường ở địa phương, qua đó, lắng nghe các góp ý, hiến kế của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Trên địa bàn thành phố sẽ có những trạm trung chuyển được xây mới với kỹ thuật khép kín, hiện đại, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố.

*VOH: Cảm ơn bà.