Theo thông tin từ nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), cực đại của mưa sao băng này sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 2 giờ sáng đến khi trời sáng.
Mưa sao băng Quadrantids có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 2003 EH1, một tiểu hành tinh có quỹ đạo quanh Mặt Trời với chu kỳ 5,5 năm. Khi Trái Đất đi qua phần còn lại của tiểu hành tinh này, các mảnh vụn sẽ bốc cháy khi xuyên qua bầu khí quyển, tạo ra những vệt sáng trên bầu trời chính là các sao băng.
Vào thời điểm cực đại, mưa sao băng Quadrantids có thể đạt tới hơn 50 sao băng mỗi giờ, đôi khi còn có thể nhiều hơn trong điều kiện thuận lợi.
Để quan sát mưa sao băng, người dân cần lựa chọn thời gian từ sau 2 giờ sáng 4/1, khi chòm sao Quadrans Muralis khu vực của mưa sao băng lên cao trên bầu trời. Để tìm vị trí quan sát, người xem chỉ cần hướng nhìn về phía Đông và Đông Bắc với độ cao từ 30 đến 50 độ so với mặt đất.
Tuy nhiên, việc quan sát sao băng không chỉ đơn giản là nhìn lên bầu trời. Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn nhấn mạnh rằng điều kiện thời tiết đóng vai trò rất quan trọng. Trước khi quan sát, bạn có thể kiểm tra bầu trời để xem có thể nhìn thấy các ngôi sao không, nếu thấy thì có thể quan sát sao băng.
Người quan sát cũng cần chọn một địa điểm có tầm nhìn rộng, không bị che khuất bởi ánh sáng từ đèn đường hay các công trình xung quanh. Đặc biệt, không cần sử dụng kính thiên văn hay ống nhòm, bởi mắt thường là công cụ tốt nhất để chiêm ngưỡng mưa sao băng.
Vì quan sát sao băng yêu cầu kiên nhẫn, người quan sát có thể chuẩn bị ghế dài hoặc vật dụng nào giúp thư giãn để không cảm thấy mệt mỏi khi nhìn lâu trên bầu trời.