Đăng nhập

Chợ Bình Tây, gần trăm năm gắn bó

00:00
00:00
00:00
VOH - Chợ Bình Tây còn có tên chợ Lớn  nằm ở quận 6, gần 100 năm tuổi, là một trong những chợ cổ, đẹp nhất TPHCM.

Cuối thế kỷ 19, chợ Lớn nằm trên rạch Chợ Lớn khu vực Bưu điện Quận 5 ngày nay. Do buôn bán ngày càng phát triển, ông Quách Đàm - người Triều Châu, Trung Quốc - bỏ tiền mua 2,5ha đất ở thôn Bình Tây, xây ngôi chợ mới tặng chính quyền. Gắn bó với Sài Gòn qua biết bao năm tháng thăng trầm, chợ Lớn nay gọi là chợ Bình Tây đã trở thành một nét văn hoá lâu đời, sở hữu kiến trúc bắt mắt. 

Ngôi chợ có kết cấu bê tông cốt thép, dùng kỹ thuật xây dựng hiện đại, kiến trúc kiểu Trung Hoa. Tường sơn vàng, mái lợp ngói âm dương, bông gió được tạo hình tinh tế. Tháp chính nổi cao, mặt trước là phù điêu "lưỡng long chầu châu" khảm sành tinh xảo. Cổng chính chợ đối diện Bến xe Chợ Lớn, thuận tiện giao thương.

Chợ Bình Tây, gần trăm năm gắn bó 1Xem toàn màn hình
Mặt tiền chợ Bình Tây - Ảnh: Phương Dung

Chợ khánh thành khoảng năm 1928, lúc này ông Quách Đàm đã mất. Đến năm 1930, nhằm tưởng nhớ người thành lập, tượng ông được dựng giữa chợ

Năm 1992, chợ được sửa chữa, trùng tu và năm 2006 mở rộng thêm 2 dãy phía đường Lê Tấn Kế và Trần Bình. Năm 2015, chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Với gần 2.400 sạp hàng, chợ là trung tâm bán sỉ và lẻ đủ loại hàng hóa, mỗi năm có trên 120.000 lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Chợ Bình Tây cho biết: “Việc quảng bá du lịch là tâm huyết rất lâu rồi. Hiện tại chợ mình là di tích mang dấu ấn cổ xưa. Cái dấu ấn này khách phương Tây rất thích, cũng là một cách khích cầu du lịch để khách nước ngoài tới để tham quan nhiều hơn”.

Chợ Bình Tây, gần trăm năm gắn bó 2
Du khách nước ngoài tại chợ Bình Tây - Ảnh: Phương Dung

Bà Nguyễn Thị Kim Loan – thương nhân ngành hàng túi xách, buôn bán ở chợ hơn 30 năm kể: từ lúc dịch tới giờ bán hơi chậm nhưng nhờ có thêm quảng bá du lịch, cho nên là chợ cũng đông khách đến tham quan. Bà Loan cho biết, lúc trước chợ chỉ bán sỉ nhưng mà bây giờ phát triển du lịch thì cái nào bán lẻ được thì mình cũng bán.

Thương gia Quách Đàm được xem như "thần tài" của chợ Bình Tây. Ông sang Việt Nam lập nghiệp bằng việc đi thu mua ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu, phế thải để sinh sống. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó mà trở thành người giàu có.

Sau khi ông Quách Đàm bỏ tiền ra xây dựng chợ vào năm 1928, ông đã tặng lại cho chính quyền. Đến ngày đất nước thống nhất chợ đổi tên thành chợ Bình Tây.  

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Phó Trưởng Ban quản lý Chợ Bình Tây cho hay: Theo thiết kế công trình, mặt tiền chợ Bình Tây dài 89,2 mét, rộng 108,6 mét và cao 13,1 mét với nóc nhà gắn đồng hồ lớn là biểu tượng của chợ Bình Tây. Khu vực nhà lồng có tổng cộng 1.446 sạp, trong đó có 698 sạp tầng trệt và 748 sạp tầng lầu.

Bà Châu cho biết thêm: “Chợ Bình Tây được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố. Kiến trúc của ngôi chợ được gìn giữ từ trước năm 1975 tới giờ, qua những cái lần tu sửa, chợ vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng, đó cũng góp phần thu hút khách du lịch đến với chợ Bình Tây ngày càng nhiều. Năm nay lượng khách du lịch đến với chợ Bình Tây rất là đông, hơn hẳn những năm trước”.

Năm 2015, Chợ Bình Tây được Trung tâm bảo tồn di tích thuộc Sở Văn hóa Thể thao, Hội đồng xét duyệt di tích công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt du khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm tại chợ để vừa được tận mắt ngắm nhìn một kiến trúc cổ độc đáo của thành phố, vừa thỏa sức mua sắm các loại hàng hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam.

Bình luận