Cơ duyên năm 16 tuổi thay đổi cuộc đời của Tiến sĩ Cải Lương đầu tiên Việt Nam

VOH - Chia sẻ cùng Nhân Humantiy, NSND Bạch Tuyết đã bật mí một cơ duyên năm 16 tuổi, làm thay đổi cuộc đời của mình.

Nhìn lại cuộc đời mình, NSND Bạch Tuyết tự nhận thấy mình là người "may mắn đến lạ kỳ" khi từng bước đi trên con đường nghệ thuật và tri thức với sự dẫn dắt của những người thầy, người bạn đời, và quan trọng nhất là chính ý chí tự lập của bản thân.

Với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật cải lương, NSND Bạch Tuyết không chỉ được tôn vinh là “Cải Lương Chi Bảo” mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, học tập và đổi mới. Từ cô đào trẻ tuổi 16 đầy triển vọng đến danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và tấm bằng tiến sĩ, bà đã khẳng định tài năng vượt thời gian và sự kết nối mạnh mẽ giữa nghệ thuật và tri thức.

Ở tuổi 16, một cô bé với niềm đam mê cải lương cháy bỏng nhưng còn rất non nớt về kinh nghiệm đã lọt vào mắt xanh của soạn giả Điêu Huyền – một tên tuổi lớn, nổi tiếng với sự tận tâm và tầm nhìn sâu rộng trong việc phát triển nghệ sĩ trẻ. Ông đã chọn Bạch Tuyết vào vai diễn đầu tiên trong vở Lấp Ấm Chi Hồng với vai người lái đò.  Khán giả đã trầm trồ khen rằng “Con bé này mới tinh khôi mà giỏi quá, chắc sau này nổi danh lắm.” Nghe người ta nói vậy, mình chỉ biết cố gắng chứ thật ra rất run, vì còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm” , Bà chia sẽ. Soạn giả Điêu Huyền đã nhìn thấy tiềm năng trong bà, điều mà chính bà cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Vai diễn ấy đã trở thành bước ngoặt lớn cuộc đời nghệ sĩ Bạch Tuyết. Khán giả lập tức bị ấn tượng bởi giọng ca tinh khôi, phong thái tự nhiên và đầy cảm xúc. Thầy dạy một thì tôi luyện đến mười, vì sợ khán giả thất vọng, sợ làm mất uy tín. Lúc ấy, tôi không quan tâm đến danh tiếng hay tiền bạc, chỉ biết là phải cố gắng để giữ vị trí của mình,” Bạch Tuyết chia sẻ.

Điêu Huyền không chỉ là một soạn giả tài năng mà còn là người thầy nghiêm khắc, luôn đòi hỏi cao ở học trò. Ông không chỉ dạy Bạch Tuyết hát hay diễn xuất mà còn truyền cảm hứng về đạo đức nghề nghiệp và sự cống hiến không ngừng nghỉ. Chính nhờ sự chỉ dẫn tận tâm của ông, cô gái trẻ đã từng bước khẳng định mình, đặt nền tảng vững chắc cho một sự nghiệp rực rỡ sau này.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (31)

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau vài năm, Bạch Tuyết trở thành cái tên sáng giá với những giải thưởng danh giá như Thanh Tâm triển vọng (1961) và Thanh Tâm xuất sắc (1965).  Đây là dấu ấn quan trọng đặt Bạch Tuyết vào hàng ngũ những nghệ sĩ cải lương hàng đầu thời bấy giờ.

Dù gặt hái nhiều thành công trên sân khấu, Bạch Tuyết nhận ra mình cần tri thức để hiểu sâu hơn về nghệ thuật và cuộc sống. Bà tâm sự “Có thời gian, tôi tạm nghỉ để đi học vì thấy mình nổi tiếng mà kiến thức hạn chế, cảm giác khó chịu lắm

Chính người chồng sở hữu hai bằng tiến sĩ đã thôi thúc bà theo đuổi học vấn: “Ông ấy từng nói một câu mà khi còn trẻ tôi không thực sự hiểu hết ý nghĩa: “Một nghệ sĩ tài danh mà trình độ học vấn không tương xứng với sự nổi tiếng thì đó là một bi kịch”. Ông ấy nói với tôi: “Bạn là một nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương. Tôi muốn bạn hoàn thiện mình để sau này làm gương cho con cái”. Câu nói ấy đã dẫn lối để bà bước vào hành trình gian nan nhưng đầy ý nghĩa.

Sau bốn năm chuẩn bị, bà được nhận vào London School of Economics – một trong những ngôi trường danh giá nhất thế giới. Tấm bằng tiến sĩ không chỉ khẳng định ý chí học tập không ngừng của bà mà còn làm giàu thêm giá trị tri thức trong sự nghiệp nghệ thuật.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (32)

NSND Bạch Tuyết người không bao giờ ngừng học hỏi để nâng cao giá trị

Trở lại sân khấu sau thời gian học tập, NSND Bạch Tuyết tiếp tục khẳng định vị trí của mình qua các vai diễn kinh điển như Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Đời Cô Lựu. Không chỉ giữ vai trò truyền tải nghệ thuật, bà còn đưa cải lương đến gần hơn với công chúng bằng tri thức và góc nhìn hiện đại. Cải lương không chỉ là một loại hình nghệ thuật. Đó còn là một cách để chúng ta học về tiếng Việt, về văn hóa, về lịch sử dân tộc.

Khi được hỏi về cuộc đời mình, NSND Bạch Tuyết chia sẻ rằng chính hoàn cảnh mất mẹ từ nhỏ đã rèn luyện cho bà tính tự lập. “Tôi muốn tự đi trên con đường của mình bằng chính đôi chân và khối óc. Tôi quyết tâm không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không so sánh bản thân với những đứa trẻ may mắn hơn, có đủ cha mẹ, người thân. Tôi hiểu rằng mình phải tự bước đi một mình, và điều đó buộc mình phải rèn luyện tính tự lập” ."Sống trong thời đại loạn, chỉ có sự minh triết mới giữ được thân." Đó là một câu mà làm bà  luôn ghi nhớ. Từ đó, bà luôn sẵn sàng đối diện với sự bất ổn và thay đổi, xem chúng như bản chất của cuộc đời.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ ánh đèn sân khấu đến giảng đường quốc tế, NSND Bạch Tuyết đã trở thành biểu tượng của sự giao thoa giữa nghệ thuật và tri thức. Với bà, mỗi ngày đều là một cơ hội mới để học hỏi, để cống hiến và để tiếp tục thắp sáng tình yêu dành cho cải lương – bộ môn nghệ thuật đã làm nên tên tuổi của một người nghệ sĩ tài hoa.

Bình luận