Tiêu điểm: Nhân Humanity

Công Chúa Leonor bị mạo danh lừa đảo tinh vi trên TikTok

TÂY BAN NHA - Hàng chục tài khoản giả mạo Công chúa Leonor - Tây Ban Nha đang hoành hành trên TikTok, nhắm vào các nạn nhân trên toàn cầu bằng chiêu thức lừa đảo tinh vi.

Những tài khoản giả mạo này, một số được tạo bằng các công cụ AI tiên tiến, đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Các tài khoản tự giới thiệu là Công chúa Leonor, cam kết cung cấp viện trợ tài chính cho bất kỳ ai yêu cầu, theo báo cáo của El País.

061224_công_chúa_1
Công chúa Leonor của Hoàng gia Tây Ban Nha - Ảnh: Znews

Thủ đoạn lừa đảo diễn ra như sau: Các nạn nhân được hứa hẹn một khoản hỗ trợ đáng kể, nhưng trước tiên phải trả một "khoản phí nhỏ" thường lên tới vài trăm USD. Sau khoản phí ban đầu, kẻ lừa đảo liên tục yêu cầu thêm tiền, gây áp lực cho đến khi nạn nhân kiệt quệ. Cuối cùng, thủ phạm biến mất không một lời giải thích.

Câu chuyện của nạn nhân

Juana Cobo, 39 tuổi tại (Nebaj, Guatemala), là một trong những nạn nhân điển hình. Cô kể lại "Tôi không chỉ mất tiền mà còn mắc một khoản nợ khổng lồ. Tôi đã nuôi hy vọng, và tất cả những gì tôi nhận được là nợ nần."

Theo lời Cobo, cô nhận được một tin nhắn trên TikTok từ một tài khoản giả mạo Công chúa Leonor, thông báo cô đã trúng 100.000 USD. Tuy nhiên, để nhận số tiền này, cô phải trả 2.200 quetzales (khoảng 250 USD) tiền thuế. Tin tưởng vào lời hứa, Cobo đã thực hiện thanh toán.

061224_công_chúa_2
Hàng chục tài khoản giả danh Công chúa Leonor trên TikTok - Ảnh: Znews

Sau khoản phí ban đầu, các kẻ lừa đảo tiếp tục yêu cầu thêm tiền với những lý do khác nhau như "phí luật sư", "khoản thanh toán bổ sung". Cuối cùng, Cobo đã mất tổng cộng 5.800 quetzales (khoảng 735 USD) - một khoản tiền gần gấp đôi mức lương tối thiểu ở Guatemala.

Chiêu thức tinh vi

Các tài khoản giả mạo này hoạt động rất tinh vi, được khuếch đại bởi thuật toán của TikTok. Nhiều tài khoản mời người dùng để lại bình luận hoặc cung cấp thông tin liên lạc, thậm chí có tài khoản còn trực tiếp yêu cầu số tài khoản ngân hàng để "gửi tiền hỗ trợ".

061224_công_chúa_3
Những kẻ lừa đảo tự nhận là Công chúa Leonor để lừa đảo những người gặp khó khăn - Ảnh: Znews

Một biến thể phức tạp hơn của trò lừa đảo còn sử dụng AI để tạo ra video giả với Công chúa Leonor, bắt chước chuyển động và giọng nói của cô. Một tài khoản như vậy đã thu hút hơn 410.000 người theo dõi.

Phân tích cho thấy những kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm vào người cao tuổi, đặc biệt là ở Mỹ Latinh và những người trong hoàn cảnh khó khăn. Juana Cobo là một ví dụ điển hình - một phụ nữ đơn thân, nuôi hai con, không có nhà riêng và đang trong tình trạng khó khăn.

El País đã liên hệ với TikTok Tây Ban Nha để báo cáo vụ việc. TikTok đã xóa một số tài khoản vi phạm nguyên tắc cộng đồng, nhưng nhiều tài khoản giả vẫn tiếp tục hoạt động. Hoàng gia Tây Ban Nha từ chối bình luận về vấn đề này.

Vụ việc này là một lời cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, đặc biệt là khi công nghệ AI phát triển. Người dùng cần cảnh giác với các lời chào mời hỗ trợ tài chính từ những nguồn không rõ ràng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội.

Bình luận