Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đạo diễn Xuân Phượng: gieo gì cho trẻ để giữ "lề" dân tộc?

VOH - Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ về "lề" – những giá trị gia phong, truyền thống – được nuôi dưỡng từ gia đình, dòng tộc. Những giá trị ấy giúp họ giữ mình dù hoàn cảnh khó khăn, cám dỗ đến đâu.

Đến với Nhân Humanity, đạo diễn Xuân Phượng nhận được câu hỏi: “Theo bà, truyền thống và văn hóa của một gia tộc ảnh hưởng gì đến nhân cách mỗi người?”

Đáp lại, bà Xuân Phượng đã trải lòng về sự trân trọng, biết ơn của bà với những giá trị tiềm ẩn xuất phát từ cội nguồn đã luôn ngấm ngầm gieo những hạt mầm thiện trong nhân cách của bà.

“Giấy rách phải giữ lấy lề” - một câu nói mà ông nội đạo diễn Xuân Phượng thường dạy, một đạo lý mà đến nay bà vẫn thường nhắc lại cho con cháu mình.

“Vì con người ta có cội nguồn sâu xa, những giá trị tiềm ẩn mà có lúc chính mình không nhận ra, chỉ đến khi có sự kiện đụng chạm mới bộc lộ.” - đạo diễn chia sẻ.

voh-thumb (18)
Đạo diễn Xuân Phượng.

Bà kể thêm câu chuyện khi bà 16 tuổi, khi sống ở Đà Lạt, một nơi mọi người sống hòa đồng, bình đẳng, không phân biệt gì cả.

Lúc này nữ đạo diễn vẫn chưa có khái niệm gì rõ rệt về dân tộc hay tự hào nguồn cội, cho đến một lần chứng kiến: “Trong buổi chào cờ ở trường học, một người bạn cùng ký túc xá (người Pháp) đã bước chân lên bóng lá cờ Việt Nam lúc nó phản chiếu dưới đất. Lúc đó là năm 1943, lá cờ ấy chưa phải cờ đỏ sao vàng, nhưng tôi vẫn thấy đau nhói trong lòng. Tự nhiên, tôi nhận ra trong mình có một niềm tự hào dân tộc sâu sắc, dù trước đó tôi chưa từng nghĩ đến.”

Từ đó, bà nhận ra rằng mỗi người đều có "lề" – những giá trị gia phong, truyền thống – được nuôi dưỡng từ gia đình, dòng tộc. Những giá trị ấy giúp họ giữ mình, dù hoàn cảnh có khó khăn hay cám dỗ đến đâu.

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ ở Việt Bắc, bà đã trải qua không ít khó khăn. Khi mà chỉ có ba nắm cơm mỗi ngày để sống, phải đi qua rừng nứa đầy vắt, chịu đựng những ngày thiếu muối hay những điều kiện khắc nghiệt của người phụ nữ nơi chiến khu. Có những lúc đã có ý định từ bỏ, nhưng nhờ những giá trị cội nguồn sâu thẳm – cái “lề” mà ông bà dạy – đã tiếp thêm động lực giúp bà vượt qua khó khăn.

“Chúng giữ tôi trên con đường đúng đắn, không chỉ vì trách nhiệm với gia đình mà còn vì trách nhiệm với chính bản thân mình.” - đạo diễn Xuân Phượng bộc bạch.

Qua những thông điệp về giá trị truyền thống và ý nghĩa cội nguồn trong những câu chuyện trên, đạo diễn Xuân Phượng muốn gửi gắm đến thế hệ sau này, những bậc làm cha mẹ, ông bà, cần truyền dạy cho con cháu lòng tự hào về truyền thống gia đình, dân tộc. Yêu thương con cái không chỉ dừng lại ở việc cho chúng ăn ngon mặc đẹp hay học trường tốt, mà quan trọng là gieo vào chúng mầm thiện, lòng nhân ái, sự lương thiện ngay từ khi còn nhỏ.

Nhờ những chia sẻ sâu sắc từ đạo diễn có thể hiểu được rằng, giáo dục không chỉ là trang bị kiến thức mà còn là vun đắp nhân cách. Việc gieo mầm thiện, lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ thơ mới là di sản quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho con cái, giúp chúng trở thành những con người có giá trị, sống tử tế và biết yêu thương.

Bình luận