Theo Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), người có triệu chứng đi đại tiện sau khi uống cà phê có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là việc hoạt động của ruột nhạy cảm hơn bình thường. Có khoảng 10% dân số mắc hội chứng này. Khoảng 1/3 trong số người mắc hội chứng ruột kích thích kèm theo các vấn đề dạ dày hoặc "xử lý" thức ăn kém.
Một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Digestion năm 2001 còn cho thấy, cà phê là một trong những loại thực phẩm thông dụng nhất gây ra các triệu chứng - bao gồm tiêu chảy - ở người bị Hội chứng ruột kích thích.
Chúng không những làm tim đập nhanh, người bồn chồn… mà khi đi vào ruột sẽ kích thích nhu động ruột, tăng tần suất co bóp trong đường tiêu hóa nên tăng nguy cơ đi đại tiện, thường gặp nhất là tiêu chảy.
Ngoài ra còn có nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ caffeine có thể kích thích và làm tăng sản xuất axit dạ dày, có thể gây khó chịu hoặc đau bụng.
Vì vậy, những người có triệu chứng đau bụng, đi ngoài sau khi uống cà phê nên cắt giảm tối đa caffeine có nhiều trong cà phê hoặc các loại thức uống khác như trà.
Bác sĩ Phương khuyến cáo, để tránh hội chứng ruột kích thích tái phát, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn (không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, đồ uống có gas; không dùng nhiều gia vị, dầu mỡ...), thay đổi lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài… cũng như cần tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.