Đìu hiu nghề chụp ảnh dạo tại TPHCM: 100 người may ra có 1 người thuê !

(VOH) - Vài năm trở lại đây, nghề chụp ảnh "dạo" có phần hiu hắt hơn bởi sự phát triển của công nghệ mới. Khách tham quan nhiều nhưng người thuê chụp ảnh thì ít.

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đi bất cứ đâu người ta cũng gặp những người thợ chụp ảnh dạo, nhất là những điểm tham quan, du lịch. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chỉ cần một điện thoại smart phone là có thể chụp ảnh, quay phim vì vậy những người chụp ảnh dạo cũng ít hơn. 

Ở cái thời được gọi là “ngày xưa” ấy, chỉ cần một chiếc máy cơ chụp ảnh bằng phim cuộn, một cái túi đen đeo bên hông và một chút kĩ năng là người chụp ảnh đã có thể có thu nhập khá từ nghề này.

Ông Nguyễn Văn Kim, quê Nam Định, có thâm niên chụp ảnh dạo ở TPHCM hơn 20 năm ngậm ngùi: "Hai mươi năm trước là sống dư dả, có khách là chụp. Còn bây giờ khách có điện thoại nhiều. Bây giờ lớp trẻ là thời 4.0, toàn điện thoại xịn thôi, gọi là nuôi facebook luôn. Mấy thợ hình bây giờ chỉ nhờ khách tỉnh thôi và cũng chỉ đủ ăn.

Cứ 100 người may có được 1 người chụp. Hầu như thợ chụp hình trong Đầm Sen bây giờ là những người lớn tuổi. Ôm cái máy để không quên nghề, giữ cái nghề và đi tập thể dục thôi, chứ nuôi bản thân cũng khó. Nhiều người nghỉ rồi nhưng ở nhà chán quá lại quay về đây".

Còn ông Lê Quang Liêm ở Quận Bình Thạnh gắn bó với nghề chụp ảnh dạo từ những năm 70. Trong lúc ngồi bệt bên vệ cỏ công viên Tao Đàn nghỉ ngơi, ông Liêm kể, thực ra, ông đến với nghề chỉ vì yêu thích một cảnh phim nước ngoài đã xem tại rạp chiếu Rex hồi còn trẻ.

Ông mê nhất là cảnh hoàng hôn, chàng trai dẫn cô gái đi dọc bờ biển chụp ảnh. Đó cũng là lý do ông bỏ nghề bàn giấy, đi theo nghề hơn 40 năm qua. Nhớ về công nghệ chụp hình xưa, ông kể: "Công nghệ ngày xưa là máy cơ, xài phim. Mà thao tác ngày xưa sướng lắm, mê lắm. Chụp một tấm hình nghệ thuật cho đẹp là chụp ánh sáng khoảng 9 giờ, ánh sáng cong. Tấm hình ra đẹp từng chi tiết một. Mà muốn làm thầy thì phải làm tớ trước. Chủ họ giấu nghề lắm. Quét rồi cắt hình rồi dán hình vô kiếng rồi từ từ tự mình tìm hiểu".

Cái thời tóc còn xanh có ngày đắt khách, ông chụp tới hơn 30 cuộn phim. Cứ chụp xong vài tấm lại cho máy vào một cái túi đen, dò dẫm cắt phim đi rửa. Nhiều khi không khéo, phim cháy cả cuộn, lại phải nhờ khách chụp lại. Dù công nghệ cũ và cực hơn so với công việc chụp hình bằng máy kĩ thuật số bây giờ nhưng suy cho cùng, làm nghề chụp ảnh khi đó vẫn công việc nhiều người mê tít và cũng nhiều người làm giàu từ nghề chụp ảnh dạo.

Một khoảng thời gian dài theo nghề, số lượng máy phải thay cũng chẳng còn nhớ nổi nhưng phải nói rằng, từ khi các hãng Kodak hay Fujifilm khai tử các loại phim dành cho máy cơ thì những người làm nghề chụp ảnh cũng phải đầu tư công nghệ mới.

Ít nhất, mỗi người cũng phải chi ra vài chục triệu đồng sắm bộ máy kĩ thuật số gồm thân, ống kính và đèn flash. Tính ra, theo đà phát triển của công nghệ, việc thu hồi vốn và khấu hao máy đã khó, tạo được một nguồn thu nhập ổn định từ nghề có khi chỉ là ước ao.

Trầm ngâm suy nghĩ, ông Lê Quang Liêm không giấu nổi vẻ tiếc nuối một thời đã qua: “So với thời hoàng kim ngày xưa, mua xe cộ nhà cửa cũng nhờ đồng tiền từ khách cùng thời. Còn bây giờ công nghệ cao quá, tụi chú chỉ đi tới đi lui cho khỏe người. Còn sẽ mệt mỏi cho lớp con cháu sau này, nếu ôm cái máy này thì thu nhập bấp bênh lắm”.

Vài năm trở lại đây, nghề chụp ảnh "dạo" có phần hiu hắt hơn bởi sự phát triển của công nghệ mới. Khách tham quan nhiều nhưng người thuê chụp ảnh thì ít. Đặc biệt, do đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp nhất khi số lượng khách tham quan giảm mạnh.

Nghề chụp ảnh dạo vì vậy càng khó khăn hơn. 

Sự xuất hiện của “smart phone” nhỏ gọn, tích hợp nhiều chức năng trong đó có chụp ảnh bằng camera trước và sau cho phép người dùng tuỳ ý chụp ảnh bất cứ lúc nào. Tính tiện lợi và đơn giản này khiến mọi người thường lắc đầu từ chối lời gọi mời từ những người chụp ảnh dạo.

Sinh viên Đào Thị Như Quỳnh cho biết: "Mình biết là cảnh chụp bằng máy cơ xịn hơn. Nhưng cái điện thoại giờ ai cũng có, tiện lợi mà chất lượng hình ảnh ngày càng cao. Mình chụp tiện, chỉnh sửa, đăng Facebook hay gửi cho bạn bè, người thân xem".

nghề chụp ảnh dạo, ngày 31 tháng 1 năm 2021
Tối muộn, người chụp ảnh dạo vẫn mưu sinh ở Lễ hội Tết Việt 2021 (Nhà văn hóa Thanh Niên). Ảnh minh họa: PN

Nghề nào cũng có cái khó của nó và công việc này cũng đòi hỏi sự kiên trì và niềm đam mê nhất định thì mới duy trì được. Vào những dịp cao điểm như tết Nguyên đán, tại nơi tập trung trưng bày nhiều hoa như Công viên Tao Đàn hay đường hoa Nguyễn Huệ, những người chụp ảnh dạo tụ tập về đây nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù công nghệ mới, ảnh chụp đẹp, giá rẻ nhưng khách hàng vẫn không mặn mà và vì thế thu nhập của nghề chụp ảnh dạo vẫn bấp bênh, nhiều khi còn tùy cái duyên mời chào của mỗi người.

Những người còn giữ nghề chụp hình dạo ngày nay đa phần là những người đã “đầu hai thứ tóc” hoặc đã trót gắn bó lâu năm với nghề. Giới trẻ có đam mê, năng động thì đã đổ xô đi mở studio, chụp hình ngoại cảnh đám cưới…, chẳng ai chịu lang thang, ôm máy cả ngày dưới nắng, ỉ ôi mời chào khách và gom nhặt những đồng bạc cắc.

Tại Thảo Cầm Viên giờ chỉ còn lại 2 người chụp ảnh dạo.

Ông Đoàn Văn Tám, người theo nghề thợ ảnh được hơn 20 năm tại khu du lịch Thảo Cầm Viên cho hay, không còn nhiều khách, vật giá leo thang nhưng giá thành mỗi bức ảnh được căn chụp, rửa và giao tận tay chỉ vỏn vẹn mỗi tấm 25.000 đồng khiến nhiều người đành đi tìm những công việc đảm bảo thu nhập hơn:

"Mấy nơi này cũng còn bao nhiêu khách đâu. Mình cũng lớn tuổi rồi, không chụp thì khó kiếm cái nghề khác. Mình càng làm lâu mình càng yêu nó. Bởi vậy giờ ở đây cũng toàn người lớn tuổi thôi, ít có ai mà theo cái nghề này lắm".

Ngẫm về một thời đã xa của nghề chụp ảnh dạo, có thể thấy, thời gian không chỉ làm con người trở nên cũ kĩ, mà còn làm cho công nghệ trở nên lạc hậu và không ít nghề mai một.

Không phải là một nghề truyền thống cần lưu giữ nhưng nghề chụp ảnh dạo thực sự để lại nhiều dấu ấn, đủ để nhắc nhớ người ta về tác giả của những bức hình đen trắng nhuốm màu thời gian.