Dìu nhau đi qua mùa dịch

(VOH) - Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã trao gần 900 triệu đồng đến 1.600 người lao động trên 14 quận, huyện của TPHCM

Chỉ sau ít ngày TPHCM bắt đầu giãn cách xã hội, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã phát động hoạt động “Không để ai ở lại phía sau”, đợt 1 chương trình đã gửi tặng hơn 400 triệu đồng cho người lao động yếu thế ở các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 8, Quận 12, và TP Thủ Đức.

Đợt 2 vừa kết thúc vào cuối tuần qua đến với các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, quận 7, quận 10, quận Bình Thạnh và quay trở lại quận Gò Vấp.

Gần 900 triệu đồng đã đến với 1.600 người lao động trên 14 quận, huyện của TPHCM. Mỗi phần quà là 500.000 đồng, người khó hơn thì nhận 1 - 3 triệu đồng.

Số tiền này giúp cho họ sẵn sàng đi qua đại dịch bằng lòng nhân ái bao la giữa người và người. Họ đã luôn lạc quan rằng, đại dịch rồi sẽ kết thúc.

Sát cánh cùng gia đình Việt, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM
Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã trao gần 900 triệu đồng đến 1.600 người lao động khó khăn tại TPHCM

Ông Trần Văn Phúc, năm nay 62 tuổi, ở quận 5 làm nghề lượm ve chai kể, từ đó đến giờ mọi người có cho 50.000 đồng, 30.000 đồng hay 20.000 đồng chứ chưa ai cho ông 500.000 đồng.

“Từ đó tới giờ lượm ve chai chưa ai cho số tiền này. Tôi cảm ơn những đồng tiền này. Mừng lắm. Lát về mua mười lăm, hai chục ký gạo với với miếng khô để đó” – ông Phúc chia sẻ.

Ông Thái Văn Oanh, làm nghề chạy xe ôm ở Quận 7 cũng chia sẻ về hoàn cảnh đôi vợ chồng già với những món ăn thường ngày đạm bạc như da heo kho mặn, nước lạnh làm canh.

“Da heo kho thì chú để muối ớt vô, để 2, 3 bữa, chứ kho lạt để thiu ăn không được. Chú chan nước lã chứ không nuốt gì vô. Lớn tuổi rồi ăn khô khan không nổi. Giờ được ủng hộ như vậy chú cảm ơn lắm. Khỏe rồi, có gạo là khỏe” – ông Oanh xúc động nói.

Khó là thế nhưng vợ chồng ông Oanh vẫn cho rằng vẫn còn nhiều người khổ hơn mình nữa. Ông hy vọng, nhiều người nghèo khác nữa sẽ được giúp đỡ để đi qua lần khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Hải, khuyết tật nặng cả 2 chân và tay, hiện sinh sống ở quận Bình Thạnh làm nghề bán vé số thì cho biết: “Cái tay này đâu có cầm được đâu, còn tay này thì đâu có dở được, vô mùa covid-19 thì ngày bán được 100 tờ hà. Thực sự, 10 ngày bán vé số chú chưa có dư được số tiền 500.000 đồng này”.

Ông Nguyễn Chí Trung đi lượm ve chai mỗi ngày cũng chỉ được 30.000 đồng, cầm tờ 500.000 đồng trong tay mà chú reo vui: “Vậy là đỡ lắm cô ơi, mấy nay vì để chống dịch, quán cơm từ thiện ở quận phải đóng cửa, tui chưa biết phải xoay sở ra sao. Cô nghĩ đi 500.000 đồng là tui lượm cả tháng đó. Cảm ơn Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM giúp những người khó khăn vượt qua cơn đại dịch”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngôn 72 tuổi khi được trao số tiền ủng hộ - lại rưng rưng nước mắt, bởi tiền nhà tháng này bà chưa có để đóng, chủ nhà thương tình cho nợ, nhưng làm sao có thể nợ mãi mà không trả: “Đêm đi bán tới 10 giờ, sáng 6 giờ thì ra đường, hy vọng đại dịch sớm qua mau để bà con có thể trở lại cuộc sống bình thường”. 

Đầu tháng 6 vừa qua, hoạt động “Không để ai ở lại phía sau” của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt được triển khai. Trong vòng 3 ngày, hơn 400 triệu đồng được đóng góp.

Tiếp theo sau đó, khi thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, hơn 400 triệu đồng nữa từ các tấm lòng trong và ngoài nước lại kịp thời về đến. Ekip lại vội vã lên đường từ sáng sớm đến tối mịt cho kịp với tấm lòng mà biết bao người trao gửi. 1.600 người nhận được quà cũng tức là có ngần đó gia đình được giúp đỡ để vượt qua lúc ngặt nghèo.

Đây không chỉ là hoạt động duy nhất của chương trinh mà trong suốt 10 năm qua, chương trình vẫn luôn dõi theo những khó khăn của đồng bào mình, bão lụt, lũ quét, lũ ống ở miền Tây Bắc, Miền Trung rồi cả miền Nam, xây trường học, mổ mắt, mổ tim, xây nhà tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế, mỗi lần ở đâu có thông tin là chương trình lại được biết bao tấm lòng chung tay ủng hộ chia sẻ. Lần này cũng vậy, chính họ đã dìu đồng bào mình đi qua mùa dịch.

TPHCM đang sống trong những thời khắc khó khăn, nhưng nếu lướt qua những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ai nấy cũng sẽ ấm lòng, thậm chí là còn cay cay khóe mắt.

Ở đây là ATM gạo, ở kia là gian hàng 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng… Tình người đã mang đến cái gọi là sức đề kháng mạnh nhất để ai đó dù mỏi mệt thì vẫn sẽ thắp lên cho họ khả năng sinh tồn và niềm tin mãnh liệt rằng, nhanh thôi, thành phố mình sẽ khỏi bệnh, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.