Chờ...

Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội

(VOH) - Mới đây, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra buổi giao lưu “Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội”.

Buổi giao lưu thu hút được rất nhiều quan tâm của các bậc cha mẹ cùng các em nhỏ về việc học cách bảo vệ trẻ trong không gian mạng.

Có thể nói, những năm gần đây, việc tạo lập cho các em thiếu nhi đọc sách là điều mà xã hội, nhà trường và gia đình rất quan tâm. Tuy nhiên, để việc đọc sách ở trẻ được duy trì, tạo thành thói quen tốt thì rất cần có sự đồng hành và quan tâm đúng mức của các bậc cha mẹ dành cho trẻ.Trong đó, quan tâm đến sở thích của trẻ, tạo sự hứng thú với sách cho các em. Trong đó, quan trông là trẻ em nên được các phụ huynh đồng hành và chia sẻ cùng con để con giải tỏa những tò mò và kiến thức của mình đọc được, nên dành lời khen cho con.

Để nắm bắt nhu cầu của con trẻ trong việc đọc sách, các bậc phụ huynh cần có sự khảo sát sở thích của các bé. Đồng thời tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những chuyên gia tâm lý để cha mẹ có thể nắm bắt những suy nghĩ hành vi ở lứa tuổi của trẻ. Từ đó, các bậc cha mẹ dùng để đối chiếu và so sánh lựa chọn cho con những loại sách phù hợp với trẻ và sở thích của trẻ. Sự đồng hành của cha mẹ trong hành trình đọc sách của bé sẽ giúp các em nhận ra lợi ích của việc đọc sách, từ đó yêu thích việc đọc sách và chủ động tìm kiếm sách để đọc.

Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội 1
Buổi giao lưu "Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội"

Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, giảng viên Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết:   "Mình có những cái danh sách sách của thầy cô về những tác phẩm có thể phù hợp với các con như thế nào. Mình sẽ đối chiếu và so sánh như cầu của con và cái chuyên gia họ góp ý có giống nhau hay không và giống nhau ở cái hạng mục nào, ở lĩnh vực nào và khác nhau ở hạng mục và lĩnh vực nào từ đó trên cương vị là một người phụ huynh, người bảo hộ cho đứa trẻ, người sẽ hướng dẫn cho trẻ đọc sách hoặc chương trình cho con tiếp cận đến sách để phát triển cái kỹ năng của con trong quá trình mình nuôi dưỡng con. Mình phải là người quyết định dựa trên nhu cầu của con và đề xuất của những chuyên gia".

Gần gũi với con, cùng nhau học, thảo luận cách thức sử dụng Internet thông minh và an toàn là điều vô cùng quan trọng bởi mỗi giây phút trôi qua có rất nhiều những rủi ro với trẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cha mẹ không thể kiểm soát và quản lý con cái thường xuyên. Biện pháp hữu hiệu hơn là dạy trẻ cách dùng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Chị Trần Huỳnh Nhị chia sẻ với chương trình: "Vì bé nhà mình cũng có sinh hoạt trên mạng. Thứ nhất là lâu ngày con sẽ bị nghiện, thứ hai nữa là thu hút ở trên mạng xã hội nó lớn cho nên trẻ đặt trọng tâm đến mạng xã hội nhiều hơn những cái vấn đề khác. Thứ ba khi trẻ quan tâm đến những điều đó thì trẻ lại thờ ơ với thực tế, mà trẻ chỉ quan tâm những cái ảo thôi".

Theo Thạc sĩ Châu Hồng Phúc, giáo viên trường Trần Đại Nghĩa - Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: hiện nay, việc trẻ em tiếp cận với không gian mạng là không thể tránh khỏi. Sau đợt dịch vừa qua thì đa phần các em sử dụng nhiều các thiết bị điện tử để phục vụ cho việc học tập, kết nối với nhà trường và các bạn. Do đó việc kiểm soát trẻ truy cập những nội dung tiêu cực là hết sức cần thiết. "Hiện nay đa phần các em điều sử dụng mạng xã hội và sử dụng hỗ trợ cho việc học tập. Tuy nhiên thì cũng có bạn sử mạng xã hội để kết nối bạn bè của mình, hoặc là sử dụng mạng xã hội để thảo luận, để hợp tác với bạn bè của mình trong lĩnh vực làm việc nhóm ở trường học thì đó là một điều rất là tốt. Tuy nhiên sử dụng mạng xã hội có mặt lợi hay là hại cũng sẽ tùy theo các con sử dụng mạng xã hội như thế nào", Thạc sĩ Châu Hồng Phúc nói.

Giải pháp quản lý và bảo vệ con trẻ trên không gian mạng luôn là vấn đề mà các bậc phụ huynh quan tâm. Ông Đoàn Xuân Hiển, giảng viên Google for Education Certified Trainer đã đưa ra 5 nguyên tắc cần nắm để đảm bảo an toàn đó là nên đánh giá độ tin cậy của nguồn thông tin, biết cách đặt mật khẩu an toàn, nhận biết lịch sử trình duyệt, các nguyên tắc ứng xử khi bị bắt nạt trên mạng xã hội và các dấu hiệu nhận biết lừa đảo trực tiếp. Về việc quản lý sao cho phù hợp với thời gian đối với các bậc phụ huynh, anh Hiển cho biết thêm: "Đối với các thiết bị điện tử thì chúng ta có thể sử dụng Google Family Link. Với cái Google Family Link này thì có thể giới hạn được thời gian sử dụng thiết bị của trẻ, đồng thời cho phép trẻ bật được ứng dụng nào, không bật được ứng dụng nào, hay là thậm trí trong lúc trẻ đang trình duyệt mà có phát hiện yếu tố nội dung người lớn thì tự động nó khóa cái màn hình này lại và sau đó sẽ gửi cho phụ huynh một cái thông báo để phụ huynh biết được là trẻ đã sử dụng cái ứng dụng nào trong thời gian bao lâu, thời gian như thế nào cụ thể. Từ đó chúng ta biết được là trẻ có đang ở trên không gian mạng nhiều quá hay không".

Bị lộ thông tin cá nhân, hay vô tình trở thành nạn nhân của những thông tin xấu độc, tệ nạn trên mạng xã hội là những rủi ro luôn thường trực khi các em sử dụng Internet. Do vậy, việc quản lý và bảo vệ trẻ trên không gian mạng luôn là thách thức lớn đối với các bậc phụ huynh. Do đó cần có sự đồng hành giữa gia đình, nhà trường và xã hội để cùng nhau bảo vệ trẻ em khỏi những điều tiêu cực của không gian mạng. Đặc biệt, gia đình hãy đồng hành và trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn cho trẻ để mỗi em nhỏ trở thành một công dân số trong xã hội số văn minh.