Hành trình của gạch bông
Gạch bông được sản xuất lần đầu tiên tại nhà máy xi-măng đầu tiên của Pháp -Viviers vào năm 1850. Ở thời kỳ đầu, gạch bông chỉ được sản xuất thô sơ bằng chiếc máy ép hơi nước với nguyên liệu chủ yếu là xi măng. Sau này, nhờ các họa tiết tinh tế, đẹp mắt, gạch bông được ứng dụng vào nhiều công trình kiến trúc và được thiết kế đa dạng nhiều mẫu mã. Gạch bông du nhập vào các nước châu Âu, “len lỏi” vào từng tòa nhà, từ công trình hạ tầng lớn đến nhà ở của người dân, đặc biệt là ở Italy.
Đến khoảng năm 1920, gạch bông được coi là vật liệu cao cấp, được sử dụng để trang trí cung điện của tầng lớp thượng lưu, lâu đài ở Pháp hay cả tòa nhà chính phủ ở Berlin… Vào khoảng thế kỉ XIX, khi người Pháp mang những tiến bộ kỹ thuật vào Việt Nam, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc công trình ở Việt Nam đều có sự thay đổi rõ rệt. Cùng thời điểm này, gạch bông chính thức gia nhập vào nước ta với đa dạng mẫu mã, màu sắc.
Ở TPHCM gạch bông được tìm thấy nhiều ở các bảo tàng hay ở các tòa nhà, quán cafe, nhà hàng có thâm niên. Trong các bảo tàng người ta trưng bày các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, cổ vật có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Đến đây, công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, giá trị đến từ các tác phẩm nghệ thuật, hay các cổ vật mỹ thuật mà còn có thể cảm nhận vẻ đẹp từ kiến trúc của tòa nhà. Trong đó phải kể đến sự độc đáo của các viên gạch bông lát nền.
Những viên gạch bông được lát dưới sàn nhà với kiểu dáng, hoa văn đa dạng, phong phú. Các viên gạch có hoa văn đối xứng, từng đường nét lại làm nên một bức tranh vô cùng đẹp mắt. Chúng được thiết kế đơn giản từ mẫu mã cho đến chất liệu, thể hiện được sự dân dã, gần gũi, mang nét độc đáo riêng.
Mỗi viên gạch là một tác phẩm mỹ thuật
Các viên gạch bông có giá trị thời gian hầu hết được làm thủ công. Để làm nên một viên gạch bông việc đầu tiên là lựa chọn khuôn mẫu cho viên gạch. Có ba loại gạch chủ yếu mà chúng ta hay bắt gặp là loại gạch vuông, gạch lục giác và gạch bông gió. Mỗi loại sẽ được thiết kế ra hàng trăm họa tiết khác nhau dựa trên khuôn mẫu có sẵn.
Người làm gạch bông sẽ trộn hỗn hợp xi măng, bột đá tự nhiên, bột màu. Đây là công đoạn tạo lớp màu đầu tiên cho viên gạch. Mỗi hỗn hợp màu khác nhau sẽ tạo nên các viên gạch có màu sắc khác nhau. Lớp thứ 2 hỗ trợ lớp thứ nhất định hình sắc nét hơn, người ta sẽ đổ hỗn hợp cát và xi măng lên bề mặt lớp thứ nhất sau khi lấy khuôn ra.
Sau đó, một lớp hỗn hợp cát và xi măng được đổ tiếp vào khuôn trước khi cho vào máy ép. Và dùng máy ép thủy lực để ép tất cả các lớp lại. Nước của lớp thứ nhất sẽ được ngấm ngược trở lại các lớp nguyên liệu khô, quá trình này tạo phản ứng hóa học giữa nguyên vật liệu ở các lớp làm viên gạch trở nên cứng.
Đến đây, gần như các bước làm ra một viên gạch bông đã hoàn thành. Gạch khi được ép xong sẽ được ngâm trong nước để tăng độ ẩm, sau đem ra phơi khô trong khoảng thời gian nhất định. Bước cuối cùng, để tăng độ sáng và tính thẩm mỹ của viên gạch, người ta mang gạch đi đánh bóng mỗi viên gạch được đánh bóng bề mặt để tăng độ sáng.
Ngày nay, các loại gạch nung, gạch men đang chiếm nhiều ưu thế hơn trong kiến trúc, nhưng chúng ta không thể phủ nhận tính năng thẩm mỹ, chất lượng của các loại gạch bông. Nét đẹp cổ điển tạo nên bức tranh nghệ thuật mang văn hóa truyền thống trong kiến trúc xưa.