Gặp gỡ nghệ nhân đóng giày thủ công cuối cùng của Sài Gòn

TPHCM - Nghề đóng giày thủ công đã có cách đây nhiều thập niên, tạo nên không ít những thương hiệu tên tuổi gắn liền với đất và người Sài Gòn.

Theo thời gian, những thương hiệu giày nước ngoài được nhập khẩu ồ ạt, khiến người dần dần lãng quên đi những đôi giày thủ công vốn nổi tiếng về sự bền chắc và dễ chịu cho đôi chân. Từ đó, công việc chế tác giày thủ công cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi mô hình sản xuất giày công nghiệp.

Khi nhắc đến nghề làm giày thủ công Việt Nam, người dân không thể không nhắc đến nghệ nhân Trịnh Ngọc - người đã cống hiến hơn 70 năm cho nghề này, được xem là người đóng giày nổi tiếng ở Sài Gòn.

anh-11_20250513090118
Nghệ nhân Trịnh Ngọc – người đóng giày thủ công cuối cùng tại Sài Gòn chia sẻ cùng phóng viên VOH - Ảnh: Thủy Tiên.

Nhiều thập niên qua, tiệm giày mang tên Chaussures Ngọc vẫn nép mình lặng lẽ trên con đường Lý Chính Thắng, quận 3, bên cạnh những cửa hiệu sầm uất, sang trọng.

Đây không đơn thuần là một tiệm giày mà còn là nơi lưu giữ ký ức trăm năm của người nghệ nhân tài hoa này. Ông đã gắn bó với cửa tiệm từ những ngày tay trắng cho đến ngưỡng tuổi 95 – độ tuổi xưa nay hiếm có để một người có thể tiếp tục cống hiến trong công việc.

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc sinh năm 1931 tại Bạc Liêu. Trong ký ức của ông, những năm tháng tuổi thơ không có gì ngoài những cuộc chạy loạn từ Sóc Trăng đến Cần Thơ, An Giang rồi Kiên Giang…, không một nơi nào được yên ổn.

Năm 1946, khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông đã cùng anh em mình chạy sang Nam Vang, Campuchia lánh nạn. Những ngày tháng đầu tiên nơi xứ người, ông mưu sinh bằng việc đi bán dạo các loại bánh dân gian.

Cơ hội đến khi gần nơi ông sinh sống mở ra một xưởng đóng giày, ngày ngày ông được chứng kiến những người thợ tạo ra những đôi giày đẹp mắt, công phu, nên một ý nghĩ lóe lên trong đầu là ông sẽ chọn nghề này để theo đuổi.

Ngoài thời gian đi bán bánh dạo, ông lại đến xưởng giày học lóm cách đóng giày, cách thiết kế, chế tác. Một năm sau, ông đóng được đôi giày đầu tiên, rồi nhiều đôi sau đó dành tặng cho người thân.

Ròng rã 6 năm mày mò, cuối cùng ông đã có thể tự mở tiệm giày riêng cho mình nơi đất khách, đặt tên tiệm là Đức Phát trước sự ngạc nhiên và khâm phục của nhiều người.

Những năm kế tiếp, khi tay nghề đạt đến 80-90% so với kỹ thuật đóng giày Tây, tiệm giày của nghệ nhân Trịnh Ngọc ngày càng phát triển, thu hút nhiều người nước ngoài, chính khách, các trí thức…, khiến tiệm nhanh chóng nổi tiếng khắp xứ Nam Vang.

Những năm 1950, câu chuyện về tay nghề của người thợ giày tài hoa Trịnh Ngọc lọt đến hoàng cung Campuchia, ông chính thức được mời đóng giày cho Quốc vương Norodom Sihanouk và hoàng gia Campuchia.

Quốc vương Campuchia thường cho xe đón ông vào hoàng cung để đóng những đôi giày kiểu Pháp, Ý mà ngài yêu thích. Ngoài ra, trong những dịp lễ hội của vương triều, ông còn làm những đôi giày đặc biệt cho quốc vương và hoàng hậu theo kiểu truyền thống, trong đó kiểu giày mỏ cong, nạm vàng mà ông chế tác luôn làm hài lòng họ. 

Năm 1967, ông sang Pháp theo học chương trình đào tạo chính thức tại Paris. Thế nhưng, khi đang ở đỉnh cao của nghề, tên tuổi nổi tiếng khắp vùng, được quốc vương trọng vọng, cuộc biến loạn tại Campuchia đã lật ngược cuộc đời nghệ nhân Trịnh Ngọc.

Năm 1970, chính quyền Sihanouk bị đảo chánh và lật đổ, người Việt ở Campuchia cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn để tồn tại. Một đêm, ông cùng 28 người bị vây bắt trong một ngôi nhà, nhưng chỉ mình ông may mắn sống sót. Ký ức về đêm kinh hoàng ấy mãi mãi ông không thể quên. Sau đó, ông trốn thoát và được đưa về Việt Nam trên chuyến tàu hồi hương năm 1970.

Nghệ nhân Trịnh Ngọc về lại căn nhà của cha mẹ tại quận 1, Sài Gòn với hai bàn tay trắng, không còn một dụng cụ đóng giày nào. Một thời gian sau, ông quyết định làm giày và đem đi chào hàng ở các thương xá nổi tiếng bấy giờ, trong đó có thương xá Tax.

Nhờ thành thạo đến 3 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa), ông thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài và nhận được sự chú ý, ủng hộ, được nhận vào làm trong hãng giày Bata nổi tiếng.

Năm 1992, ông về hưu và mở tiệm giày “Ngọc Chaussures” (đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM), nguyện tiếp tục theo đuổi công việc này đến cuối đời.

anh-4_20250513090118
anh-2_20250513090118
Những mẫu giày được chế tác tinh xảo từ đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Trịnh Ngọc - Ảnh: Thủy Tiên.

Ngày chúng tôi đến, bên trong căn nhà ba tầng cũ kỹ, nghệ nhân Trịnh Ngọc vẫn ngồi bên chiếc bàn làm việc thô sơ chất đầy bản phác thảo, mẫu vẽ, dụng cụ và những mẫu da các loại.

Nhiều năm qua, tiệm giày của ông thường xuyên đón tiếp những khách hàng đặc biệt, khi thì khách nước ngoài, kiều bào, lúc thì doanh nhân hay những ca sĩ nổi tiếng, đặc biệt là những người khuyết tật.

Với những đôi giày bình thường, ông chỉ mất vài ngày, nhưng đóng giày cho đôi chân đặc biệt có khi phải mất cả tháng. Người nghệ nhân đã cần mẫn phục vụ nhiều vị khách đặc biệt như vậy. Không phải vì tiền, ông đã làm giày bằng cả tình thương và sự chia sẻ với những số phận kém may mắn.

Ông cho biết, muốn đóng được một đôi giày đẹp, người thợ lành nghề ngoài kỹ thuật còn phải giỏi về nhân chủng học, giải phẫu bàn chân, phân biệt được nhóm chân của các dân tộc trên thế giới.

Trong phòng làm việc của nghệ nhân Trịnh Ngọc, quan sát kỹ sẽ thấy một khu vực lưu giữ những form giày ông đã từng đóng cho các ca sĩ như: Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng... có cả form giày của quốc vương Norodom Sihanouk mà cho đến giờ ông vẫn còn giữ cẩn trọng như một kỷ niệm quý giá.

Hiện nay, trong bối cảnh các hãng giày ngoại nhập ngày càng đa dạng và phổ biến trên thị trường, số lượng thợ chế tác giày thủ công biến mất dần. Tuy vậy, nghệ nhân Trịnh Ngọc ở tuổi 95 vẫn hàng ngày chậm chạp chăm chút cho từng tấm da, từng mẫu giày, đường may, họa tiết… Ông vẫn dành cho mỗi đôi giày tình yêu, sự đam mê và trân trọng với công việc đã theo đuổi và gắn bó đến cả đời.

Tuổi 95, đi lại có phần khó khăn, công thêm căn bệnh phổi mắc phải từ đợt dịch Covid-19, nghệ nhân Trịnh Ngọc cho biết sức khỏe kém đi nhiều, một số câu hỏi mà chúng tôi đặt ra tại buổi phỏng vấn, ông phải dùng bút viết thay cho lời nói, từng nét chữ trên giấy khiến chúng tôi không tránh khỏi xúc động.

anh-5_20250513090118
Do sức khỏe kém, với một số câu hỏi, nghệ nhân Trịnh Ngọc viết chia sẻ với phóng viên VOH thay cho lời nói - Ảnh: Thủy Tiên.

Hơn 70 năm gắn bó với nghề đóng giày, nghệ nhân Trịnh Ngọc chưa bao giờ muốn từ bỏ, dù hiện nay sức khỏe đang dần ngăn cấm ông sáng tạo. Tuy vậy, hàng ngày, trên lầu 3 của căn nhà này, thỉnh thoảng hàng xóm vẫn nghe vang đều tiếng gõ, tiếng máy may của người thợ già.

Nỗi lo canh cánh của ông vẫn là chuyện chưa tìm được người nối nghiệp thật sự khiến mình hài lòng, dù dạy rất nhiều học trò những thập niên qua.

Chia tay nghệ nhân Trịnh Ngọc, chúng tôi nhận được cái nắm tay thật chặt và nụ cười hiền lành trên gương mặt nhăn nhúm của cụ ông gần trăm tuổi. Chỉ cho chúng tôi xem từng mẫu giày trưng bày, ông tỏ rõ sự lạc quan ngày mai sức khỏe mình sẽ bình phục hoàn toàn, tiếp tục công việc với niềm hăng say như cũ. Ông muốn chúng tôi nhắn với tất cả mọi người: “Kiếp tằm đến thác vẫn còn vươn tơ”!

Bình luận