Theo khảo sát mới nhất của Cục Thống kê Hàn Quốc, có đến 42,8% người được hỏi chấp nhận ý tưởng sinh con mà không cần kết hôn, tăng mạnh so với con số 30,3% của một thập kỷ trước.
Trong số người trẻ từ 20-29 tuổi, cứ 5 người thì có 2 người ủng hộ việc sinh con mà không cần tổ chức đám cưới. Đây là một sự thay đổi lớn so với văn hóa truyền thống vốn coi trọng hôn nhân như điều kiện cần thiết trước khi lập gia đình.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng tỷ lệ ủng hộ sinh con ngoài giá thú đã tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm qua, từ 5,7% lên 14,2%. Đồng thời, số người phản đối xu hướng này đã giảm mạnh từ 34,9% xuống còn 22,2%.
Sự thay đổi này không chỉ dừng lại ở thái độ xã hội mà còn được phản ánh qua thực tế. Năm 2022, có 10.900 trẻ em – chiếm 4,7% tổng số trẻ sơ sinh tại Hàn Quốc – được sinh ra ngoài giá thú. Đây là con số cao nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận số liệu này vào năm 1981.
Số trẻ được sinh ra trong các gia đình đơn thân hoặc từ các cặp đôi không kết hôn cũng đang tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, Hàn Quốc ghi nhận 6.900 trẻ có bố hoặc mẹ đơn thân. Con số này tăng lên 7.700 vào năm 2021 và 9.800 vào năm 2022.
Xu hướng này phần lớn xuất phát từ những cặp đôi lựa chọn sống chung mà không kết hôn hoặc quyết định làm cha mẹ mà không cần hôn nhân.
Trước những thay đổi trong quan niệm xã hội, chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức trong việc xây dựng các chính sách phù hợp. Hiện nay, phần lớn các chính sách hỗ trợ chỉ được thiết kế cho các cặp vợ chồng hợp pháp, khiến trẻ em từ các gia đình không kết hôn dễ bị bỏ sót trong các chương trình phúc lợi.
Các chuyên gia nhận định rằng việc mở rộng chính sách hỗ trợ, không phân biệt tình trạng hôn nhân, có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng sinh sản đang diễn ra tại Hàn Quốc.
Tỷ lệ trẻ sinh ra ngoài giá thú tại Hàn Quốc vẫn còn rất thấp so với các quốc gia phương Tây. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2020, tỷ lệ này tại Pháp là 62,2%, Anh là 49%, và Mỹ là 41,2%.