Vượt qua hơn 19 tỷ từ được cập nhật liên tục và được thu thập từ các nguồn tin tức tiếng Anh trên khắp thế giới của năm 2022, “Goblin mode” (Tạm dịch: Chế độ yêu tinh) đã trở thành từ của năm 2022 với 318.956 lượt bình chọn, chiếm 93% tổng số phiếu. Vị trí số 2 thuộc về Metaverse (vũ trụ ảo), còn IstandWith (tôi sát cánh với) đứng thứ ba trong danh sách.
1. Goblin mode là gì?
Theo từ điển Oxford, "Goblin mode" (Chế độ yêu tinh) là thuật ngữ tiếng lóng ám chỉ "kiểu hành vi buông thả, lười biếng, cẩu thả hoặc tham lam, theo cách bác bỏ chuẩn mực hoặc kỳ vọng của xã hội".
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Bà Katherine Connor Martin, giám đốc sản phẩm của Oxford Languages chia sẻ, từ “Goblin mode” khiến chúng ta có cảm giác rằng đại dịch đã qua, nhưng chúng ta vẫn đang vật lộn với nó. Bởi những hành vi này khá quen thuộc với mọi người trong giai đoạn phong tỏa vì Covid-19.
Trước đây, mạng xã hội là nơi thể hiện những việc tự thay đổi bản thân theo cách lý tưởng như: ngủ đúng giờ, ăn đúng cữ, luyện tập thể dục thể thao,… Thì giờ đây, nó đang được thay bằng chế độ yêu tinh – ngược lại với việc cố gắng làm bản thân tốt đẹp hơn.
Ông Casper Grathwohl, chủ tịch Oxford Languages thuộc OUP, cũng chia sẻ trong thông cáo đưa ra ngày 5/12 rằng, những gì mà tất cả mọi người đã trải qua trong năm vừa rồi hoàn toàn phù hợp với “chế độ yêu tinh”. Khi trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, nhiều người đã tự cô lập bản thân, dành thời gian thưởng thức đồ ăn và bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe của mình.
2. Goblin mode có nguồn gốc từ đâu?
Goblin mode là một từ lóng, do đó rất khó để xác định chính xác thời điểm xuất hiện của cụm từ này.
Theo Oxford, cụm từ Goblin mode có thể xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, từ một người dùng Twitter. Tuy nhiên phải đến đầu năm 2021 cụm từ này mới phổ biến mạnh mẽ.
3. Vì sao Goblin mode lại trở nên phổ biến?
Thông thường Oxford Languages sẽ lựa chọn từ của năm theo tiêu chí từ đó "phản ánh đặc tính, tâm trạng hoặc mối bận tâm" của năm đó, đồng thời có "tiềm năng trở thành một thuật ngữ có ý nghĩa văn hóa lâu dài". Các nhà từ điển học của Oxford sẽ lên danh sách các từ có mức sử dụng cao về mặt thống kê, sau đó chọn ra một từ.
Tuy nhiên năm nay danh hiệu Word of the Year được bình chọn từ cộng đồng mạng, và cụm từ Goblin mode đã vượt qua “metaverse” để trở thành “từ của năm” đã cho thấy sự phổ biến của nó, hay ít nhất là tình trạng mà nó miêu tả. Đây là cách mà mọi người dùng để phản ứng lại với các chuẩn mực của xã trong giai đoạn giãn cách.
Không phải tự nhiên Goblin mode lại có thể “trụ vững” trong thế giới từ vựng mạng xã hội. Hơn cả một từ lóng, nó đang thể hiện một trạng thái cá nhân và xã hội trong và sau giai đoạn Covid-19.
Khi giai đoạn giãn cách mới bắt đầu, trên các nền tảng mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các nội dung cổ vũ những thói quen, sinh hoạt lành mạnh như: sống khỏe mạnh, tập làm bánh, nấu ăn, đọc sách, tập thể dục,... Các nội dung này được tạo ra để mọi người có thể tận dụng tối ta khoảng thời gian giãn cách.
Thế nhưng, càng về sau những nội dung như vậy bắt đầu mang tính chuẩn mực. Nếu bạn ở nhà nhưng nhà cửa lại bừa bộn, xấu xí, bạn lười biếng không học hay làm gì cả thì bạn thật không ra làm sao.
Do đó, Goblin mode đã trở thành một cụm từ được mọi người sử dụng để giải tỏa tâm lý. Họ nhận ra mình không cần phải làm theo những chuẩn mực ấy, họ có thể xuề xòa, luộm thuộm trong không gian riêng tư của mình.
Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc, mọi người trở lại làm việc bình thường thì một số người vẫn còn ở “chế độ yêu tinh”, đặc biệt là những người trẻ. Có lẽ chính vì tinh thần này mà Goblin mode đã được chọn là từ của năm bởi cộng đồng mạng.