Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, gói an sinh hỗ trợ lần 3 theo Nghị quyết số 97 của Hội đồng nhân dân TPHCM đến ngày 15/10 đã chi được 4,2 triệu người/ tổng số 6,2 triệu người, đạt trên 70% người được thụ hưởng theo danh sách được quận, huyện, phường xã xét duyệt :
“Trong quá trình thực hiện nếu có thiếu, có sót thì sẽ tiếp tục bổ sung, có thể đến 25/10 thì kết thúc. Không để sót đối tượng nhất là diện đủ điều kiện có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Hội đồng của phường, xã quyết định và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cũng như tính chính xác của từng người. Nếu có sai sót và nhầm đối tượng trong quá trình đi thực hiện đi hỗ trợ thì thu hồi hoặc dừng không hỗ trợ cho những diện không đủ tiêu chuẩn. Sai sót đến đâu thì chấn chỉnh đến đó”.
Ông Lê Minh Tấn cũng thừa nhận, trong quá trình làm với số lượng lớn không tránh khỏi sai sót, thiếu chính xác, thì các quận, huyện phường, xã chấn chỉnh, xác định lại cho đúng đối tượng được hưởng, nếu sai thì thu hồi, nếu thiếu thì bổ sung, công khai minh bạch, dán danh sách người được thụ hưởng lên khu phố, lên hệ thống thông tin điện tự của phường, xã.
Mặt trận, đoàn thể, nhân dân giám sát nếu phát hiện không đúng thì giải thích, lập biên bản để thu hồi, còn nếu sót tiếp tục xét duyệt, bổ sung. Đồng thời, đưa lên hệ thống chung di biến động dân cư quốc gia để lưu trữ số lượng người gặp khó khăn. Đây là chính sách đặc thù riêng của TPHCM, an sinh lâu dài cho người dân.
Trao đổi với bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về công tác giám sát chi gói an sinh lần 3, bà Thanh Hương khẳng định, Mặt trận Tổ quốc thành lập đội giám sát độc lập để tránh trường hợp chi trả chưa kịp thời cũng như sót đối tượng.
Do đó, tổ trưởng các tổ dân phố phải nắm được thông tin thực tế vì họ là người sâu sát và nắm được đời sống của từng hộ dân. Chúng ta chỉ hỗ trợ những trường hợp thật sự khó khăn, người có sẻ chia cho những người khó, còn người khó mà vẫn trụ được thì mình chia cho những người khó hơn, nhất là những hộ khó có người già và trẻ em.
Mục tiêu của Thành phố là không để người dân đói. Khi gặp khó khăn thì có thể thông qua đường dây nóng của địa phương hoặc App an sinh để được hỗ trợ :
“Trong đợt 3 thì dành cho người thật sự khó khăn. Vợ chồng, cha mẹ, con có nghĩa là những người đó đã nhận được BHXH, hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp xã hội thì vẫn được nhận nhưng phải thật sự khó khăn. Ví dụ 1 trường hợp 1 nhà có 10 người, có 1 người đi làm, được hưởng lương theo quy định của BHXH nhưng còn những người phụ thuộc không có việc làm thì vẫn được hưởng”, bà Phan Kiều Thanh Hương nói.
Thông qua App an sinh người khó cần hỗ trợ gửi yêu cầu theo 3 gói gồm: túi an sinh (nhu yếu phẩm thiết yếu) trị giá 300.000 đồng; tiền điện, nước, điện thoại trị giá 400.000 đồng; Tiền điện, nước, điện thoại và túi an sinh nghĩa tình tổng trị giá 700.000 đồng.
Người tham gia đóng góp hỗ trợ cũng thông qua ứng dụng để lựa chọn đối tượng cũng như mức ủng hộ và chuyển tiền vào ví an sinh. Trong 7 ngày, sau khi xác minh, Trung tâm an sinh sẽ chuyển hỗ trợ đến người dân theo nhiều hình thức.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, thông qua ứng dụng An sinh này, Trung tâm an sinh Thành phố không chỉ là cầu nối giữa nhà hảo tâm và người cần trợ giúp mà còn là đơn vị tham gia giám sát, điều phối để đảm bảo quá trình trao và nhận được chính xác, minh bạch :“Những trường hợp đưa lên app thì Trung tâm an sinh sẽ chuyển về cho MTTQ và UBND xã phường xác minh vì địa phương mới nắm rõ hoàn cảnh người dân trên địa bàn.
Sau khi xác minh xong và đúng đối tượng thì Trung tâm an sinh Thành phố sẽ hỗ trợ. Có danh sách trên hệ thống thì mạnh thường quân sẽ nhìn vào đó và hỗ trợ”.