Theo Điều 64 của Công ước, lễ ký kết sẽ diễn ra tại Hà Nội trong năm 2025, và Công ước sẽ được gọi là "Công ước Hà Nội".
Sau gần 5 năm đàm phán, "Công ước Hà Nội" đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên không gian mạng.
Mặc dù công nghệ số mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về an ninh, đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia. Thiệt hại kinh tế do tội phạm mạng gây ra ước tính khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên 10.500 tỷ USD vào năm 2025, vượt qua GDP của nhiều nền kinh tế lớn.
Trong bối cảnh đó, "Công ước Hà Nội" thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng.
Việc Liên Hợp Quốc chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức lễ ký kết phản ánh vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, cũng như sự tham gia tích cực, trách nhiệm trong quá trình đàm phán Công ước.
Đây là lần đầu tiên một địa điểm tại Việt Nam được gắn với một điều ước đa phương toàn cầu trong lĩnh vực được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Đăng cai lễ ký "Công ước Hà Nội" là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, đảm bảo an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số, chuẩn bị cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Đây là khuôn khổ pháp lý đa phương đầu tiên để xử lý tội phạm trong không gian mạng sau gần 20 năm kể từ Công ước Liên Hợp Quốc về Tội phạm xuyên quốc gia.