Người nhà cho biết, khi đi học về, bé H. cùng bạn đi xe đạp ở ngõ đã bất ngờ bị một con chó Pitbull nhà hàng xóm lao tới tấn công.
Người dân trong xóm nhìn thấy và hô hào người dân tới cứu hai em nhỏ. Khi đó, hai trẻ đã chảy máu ở mặt và chân, được đưa đi sơ cứu gần đó. Con chó bị người dân đánh chết và xét nghiệm có kết quả khẳng định mắc bệnh dại.
Em bé tên H. bị thương nặng được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ đã cắt lọc và khâu hàng chục mũi ở vùng mặt cho bé H. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển xuống Phòng tiêm chủng vaccine để tiêm phòng dại và uốn ván.
Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tiêm chủng vaccine, sau khi bị chó cắn, người dân nên dùng xà phòng và nước sạch rửa vài phút, không được nặn bóp vết thương.
Tiếp theo là vệ sinh bằng các chất sát khuẩn như cồn, hoặc cồn i-ốt. Tốt nhất người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại và tư vấn tiêm phòng dại.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại sau khi bị chó nhà cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị đứt rời bàn chân phải và có nhiều vết cào cắn trên người. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền do virus dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương ở một số loài động vật như các loại dơi, chuột, dê, cừu, trâu, bò... đặc biệt là chó.
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, người đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100%.