Theo một nghiên cứu của tổ chức bảo tồn Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey công bố, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia thải nhiều rác thải nhựa ra các đại dương nhất trên thế giới. "Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra Biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới." (Khối lượng rác thải nhựa trên thế giới rơi vào khoảng 8-13 triệu tấn/năm).
Nhựa không thể thiếu trong đời sống thường nhật của chúng ta, nhưng quan trọng là làm sao phải xây dựng được ý thức sử dụng nhựa sao cho hợp lý nhằm giảm thiểu tác hại của chúng ra môi trường. Mặt khác, rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến vùng biển và sinh vật biển, có khi là cả chuỗi thức ăn của con người.
Một nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy 28% tổng số cá thể sinh vật và 55% số loài cá và thân mềm thu được từ Biển Đông (khu vực Indonesia) có chất thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Chúng đều là những loại hải sản được sử dụng phổ biến làm thực phẩm hàng ngày của người dân Indonesia.
Trong khi đó, chưa có những nghiên cứu tương tự từ vùng biển Việt Nam. Mặc dù vậy, hải sản nhiễm rác thải nhựa chiếm tỉ lệ cao ở Indonesia cho thấy những nguy cơ tương tự có thể xảy ra với hải sản được dùng làm thực phẩm ở Việt Nam vì 2 lý do: thứ nhất, Indonesia có lượng rác thải nhựa ra biển nằm trong khoảng dao động tương đương với Việt Nam và những loài hải sản được đề cập đến trong nghiên cứu ở Indonesia như cá nục, cá thu, cá trích... cũng đều là những loài được sử dụng phổ biến làm thực phẩm ở Việt Nam.
Nếu tình trạng này tiếp diễn mà không có biện pháp cụ thể nào để giảm thiểu rác thải nhựa không qua xử lý ra môi trường, rất có thể trong những năm tới chúng ta không còn hải sản an toàn nữa và thậm chí, dù chỉ là những chuyến nghĩ dưỡng bên bờ biển cũng sẽ bị "làm phiền" bởi rác thải nhựa.
Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ - môi trường và Phát triển bền vững - CETASD (đại học Khoa Học Tự Nhiên – Đại Học Quốc gia Hà Nội): Việc đầu tiên là phải chủ động hạn chế từ nguồn, phải phân loại rác.
Người dân cần có ý thức không thải nhựa nữa mà thu gom ngay từ đầu và tìm cách loại bỏ nó đi, như những loại túi nhựa, ống hút dùng một lần… "Tại Việt Nam cũng đang áp dụng dần dần, và tôi rất vui khi những hội nghị gần đây của ngành tài nguyên môi trường đã chủ trương không dùng chai nước nhựa nữa mà dùng bình nước để không phải dùng đến nhựa nữa."
Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển Việt Nam
Về phương pháp thực hiện, GS.TS Phạm Hùng Việt đề nghị:
"Chúng ta cần làm song song hai việc.
Thứ nhất là đưa ra những luật định, nghị định dưới luật để nâng cao hiệu quả quản lý. Nâng cao ý thức của người dân nhưng cũng phải có chế tài đối với những đơn vị sản xuất và thải ra rác thải nhựa.
Thứ hai là cần có một nghiên cứu bài bản. Thế giới đã làm rồi nhưng chúng ta chưa làm, đó là khi những hạt vi nhựa đã vào đến đại dương rồi thì sự phân bố của chúng và sự hấp thụ độc tố của hạt vi nhựa như thế nào. Các loại nhựa có rất nhiều, nó có thể đi xa đến mức nào thì tùy đặc tính riêng của mỗi loại.
Nghiên cứu về sự phân bố và hấp thụ độc tố của hạt vi nhựa cực kỳ quan trọng vì chúng ta vẫn đánh bắt hải sản. Ví dụ như loài cá ăn hạt vi nhựa nhiều nhất chính là cá cơm, mà cá cơm thì làm ra nước mắm. Cá cơm ăn phù du, phù du ăn hạt vi nhựa nên cá cơm cũng nhiễm độc tố này. Sau đó chúng lại là thức ăn cho cá lớn, cá lớn hơn và cuối cùng con người là nạn nhân.
Thứ ba nữa theo tôi cũng cần làm, là sau khi trục vớt những loại rác thải đó rồi thì có thể chôn lấp, nhưng đó không phải là phương pháp lâu dài mà có thể đốt trong các lò xi măng. Gần đây có một nghiên cứu mà chúng tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể học tập, đó là sử dụng rác thải nhựa như là nguồn nguyên liệu tái chế."