Hàn Quốc: Gen Z không còn hứng thú với công việc công chức

VOH - Số lượng Gen Z làm công chức bỏ việc đang trong tình trạng đáng lo ngại.

Báo cáo của Cơ quan Hưu trí chính phủ Hàn Quốc cho thấy có 29.000 công chức có thâm niên dưới 5 năm bỏ việc trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022.

Riêng trong năm 2022, con số này là 13.000, tăng 72,6 % so với năm 2019. Số công chức từ chức chỉ sau 1 năm là 3.000. Theo báo cáo, các yếu tố chính của tình trạng này là mức lương thấp, lo ngại về lương hưu và sự không thể thích ứng của Gen Z và văn hóa cơ quan nhà nước.

Người trẻ Hàn Quốc ngày càng không mong muốn trở thành công chức, thể hiện qua tỷ lệ cạnh tranh trong kỳ thi tuyển công chức giảm mạnh, ở mức thấp nhất kể từ năm 1992.

Tình hình này đã khiến ủy ban lương công chức ra các chính sách giữ chân nhân viên Gen Z, một trong số đó là quyết định tăng lương 3%.

screen-shot-2024-11-30-at-13-0-3465-6934-17329556635-5-3

Giới trẻ từ bỏ mong muốn thành công chức một phần cũng vì văn hóa tổ chức đã lỗi thời.

Do đó, chính phủ đã đưa ra các khuyến nghị như không ép buộc làm thêm giờ, bàn giao có hệ thống, hạn chế tiếp xúc không cần thiết ngoài giờ làm việc, giao tiếp tôn trọng và tăng cường đào tạo thực tế trong thời gian thử việc.

Các chính sách khác giúp tạo sức hút với Gen Z : xây dựng hệ thống phân công nhiệm vụ dựa trên cấp bậc và kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của nhân viên cấp dưới và cấm giao phó các nhiệm vụ không mong muốn cho các viên chức trẻ.

Tại một số địa phương, chính quyền đã đưa ra các chương trình phúc lợi việc làm mới như chế độ nghỉ phép dài hạn nhằm nâng cao tinh thần cho các công chức Gen Z.

Thành phố Daegu đang thúc đẩy áp dụng linh hoạt chế độ nghỉ phép hằng năm và nghỉ phép chăm con cũng như thực hiện văn hóa bữa trưa trong công ty.

Tỉnh Gyeonggi cũng đã đưa ra chế độ nghỉ phép đặc biệt cho người mới. Theo đó, Gen Z có ít nhất một đến dưới 5 năm làm việc sẽ được cấp ba ngày nghỉ phép, điều chưa từng có tiền lệ.

Các chương trình trên được kỳ vọng sẽ giữ chân được các công chức trẻ.

Bình luận