Chỉ số chất lượng không khí tại thủ đô Delhi của Ấn Độ là khoảng 250 vào sáng 28/10, sau nhiều ngày ở mức "rất không lành mạnh" trên 200, theo IQAir - đơn vị theo dõi chất lượng không khí toàn cầu.
Tại thành phố Lahore của Pakistan, cách biên giới Ấn Độ khoảng 25 km, chất lượng không khí đã vượt mức "nguy hiểm" là 500 vào ngày 28/10 - gần gấp 65 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về không khí trong lành - khiến nơi đây trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới tại thời điểm xếp hạng, theo IQAir.
Chất lượng không khí trên toàn khu vực dự kiến sẽ xấu đi khi mùa khói mù mùa đông đến gần. Đây là thời điểm bầu trời phủ một lớp sương màu vàng – bắt nguồn từ việc nông dân đốt chất thải nông nghiệp, khói từ nhà máy điện chạy bằng than, khói từ phương tiện giao thông và những ngày đông không có gió.
Diwali, lễ hội ánh sáng của người Hindu sẽ bắt đầu vào ngày 31/10 – một lễ kỷ niệm kéo dài 5 ngày, trong đó mọi người tụ họp cùng gia đình, tiệc tùng và đốt pháo (bất chấp lệnh cấm của địa phương), khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn.
Người dân và các chuyên gia từ lâu đã đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ không thể hạn chế ô nhiễm không khí, trong khi Delhi và các tiểu bang lân cận vẫn đang tranh cãi về việc ai thực sự phải chịu trách nhiệm.
Delhi đã cấm sử dụng và bán pháo trước lễ hội Diwali, nhưng chính sách này rất khó thực hiện.
Tuần trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lên án chính quyền các bang Punjab và Haryana vì không trấn áp được nạn đốt rơm rạ trái phép, một tập tục mà nông dân đốt chất thải cây trồng để dọn sạch đồng ruộng.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã triển khai Chương trình Không khí Sạch trên toàn quốc vào năm 2019, đưa ra các chiến lược trên 24 tiểu bang và vùng lãnh thổ liên bang nhằm giảm nồng độ hạt vật chất, một thuật ngữ chỉ chất gây ô nhiễm không khí, xuống 40% vào năm 2026.
Các biện pháp bao gồm trấn áp các nhà máy điện chạy bằng than, thiết lập hệ thống giám sát không khí và cấm đốt sinh khối.
Các quan chức cũng bắt đầu phun nước trên đường và gây mưa nhân tạo để chống ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ, dù các chuyên gia cho rằng đây chỉ là những giải pháp tạm thời không giải quyết được các vấn đề cơ bản.