"Kỹ thuật phục chế sách xưa" bảo tồn những trang sách quý

(VOH) - Nhờ tình yêu đặc biệt với những trang sách xưa, Bùi Tiến Phúc nỗ lực hết mình xây dựng Hán Nôm Đường, để ngày càng có nhiều tư liệu Hán Nôm cổ, sách quý được tu bổ, phục chế.

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 toàn quốc được tổ chức tại TPHCM, buổi trò chuyện “Kỹ thuật phục chế sách xưa” hứa hẹn mang lại không gian thú vị và nhiều lôi cuốn.

"Kỹ thuật phục chế sách xưa" bảo tồn những trang sách quý 1
Buổi giao lưu “Kỹ thuật phục chế sách xưa” sẽ được diễn ra vào lúc 9h ngày Chủ nhật 24/4 tại Đường sách Thành phố

Được biết đến như là một trong những người trẻ cực kỳ hiếm hoi tại Việt Nam được đào tạo bài bản và đi theo con đường phục chế, tu bổ tài liệu giấy cổ xưa, được nhiều người gọi bằng danh xưng “bác sĩ sách” bởi công việc của anh là “cứu, chữa” những tư liệu quý, sách cổ, văn bia viết bằng chữ Hán Nôm đã cũ, hỏng, nát… trở về trạng thái nguyên bản nhất có thể. Đây là việc làm thiết thực đóng góp cho công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, quý giá của Việt Nam qua các tư liệu xưa.

Là cựu sinh viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn Học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bùi Tiến Phúc đã chịu khó đi thực tế các ngôi đền, ngôi chùa cổ xưa, nuôi dưỡng tình yêu Hán Nôm và văn tự cổ cũng như nâng cao hiểu biết của mình. Nhân thấy ở nước ta chưa thật sự có ngành tu bổ sách chính quy mà chủ yếu là “người dạy người, nghề dạy nghề”, do vậy năm 2014, Phúc quyết định xin học bổng làm Nghiên cứu sinh tại Đài Loan ngành Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa. Nhờ tình yêu đặc biệt với những trang sách xưa, Tiến Phúc nỗ lực hết mình xây dựng Hán Nôm Đường, để ngày càng có nhiều tư liệu Hán Nôm cổ, sách quý được tu bổ, phục chế. Ngoài ra, anh còn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời hợp tác mở lớp hướng dẫn tu bổ phục hồi tranh thủy mặc.

Buổi trò chuyện "Kỹ thuật phục chế sách xưa" với diễn giả Bùi Tiến Phúc là cơ hội thú vị để cộng đồng hiểu hơn về quy trình “viết tiếp” cuộc đời cho những trang giấy trăm tuổi. Những ngóc ngách đầy bất ngờ và cũng hết sức hấp dẫn của nghề chuyên "chữa bệnh" cho sách, chẩn đoán tình trạng bệnh, giải mã xem tình trạng bên trong tư liệu và quy trình nhiều bước cụ thể để bắt đầu chữa những "vết thương" cũng được hé lộ. Đó là một công việc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, tỉ mỉ, khéo léo, đầy tinh thần trách nhiệm và cả sự tỉnh táo, khoa học trong từng thao tác. Việc đọc được cổ văn, hiểu được nội dung khiến Tiến Phúc càng quý trọng những giá trị ẩn chứa trong từng trang giấy đã tồn tại qua hàng thế kỷ và từ đó càng thiết tha gắn bó lâu dài với nghề “cứu sách”.

Buổi giao lưu “Kỹ thuật phục chế sách xưa” sẽ được diễn ra vào lúc 9h ngày Chủ nhật 24/4 tại Đường sách Thành phố, với mong muốn tiếp thêm tình yêu di sản văn hóa dân tộc và trang bị cho mọi người những kỹ năng cơ bản để ít nhất là không làm xấu đi tình trạng những tài liệu cổ xưa vốn được lưu truyền qua bao thế hệ trong các gia đình khắp nơi. Hiện, tại Đường sách Thành phố, tuần lễ trưng bày các hiện vật theo chủ đề "Phục chế và đóng sách nghệ thuật" vẫn đang phục vụ người dân và du khách đến tham quan.