La mắng trẻ gây hại tương tự như lạm dụng tình dục hoặc thể chất

VOH - Một nghiên cứu mới cho thấy, khi người lớn la mắng, gièm pha hoặc đe dọa bằng lời với trẻ em có thể gây tổn hại cho sự phát triển của chúng giống như lạm dụng tình dục hoặc thể chất.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Abuse & Neglect đã xem xét 166 nghiên cứu trước đó để đưa ra phân tích chi tiết về chủ đề này - CNN đưa tin.

Các tác giả kêu gọi, việc lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em nên được coi là một loại ngược đãi riêng để tạo điều kiện phòng ngừa.

La mắng trẻ
Nghiên cứu mới cho thấy tác động lâu dài của việc lạm dụng bằng lời nói đối với trẻ em - Ảnh: Getty

Xem thêm: 6 cách kỷ luật con trẻ mà không cần quát mắng

Ngược đãi trẻ em hiện được phân thành bốn loại - lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tinh thần (trong đó có lạm dụng bằng lời nói) và bỏ bê.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Wingate ở Bắc Carolina và Đại học College London - đã đưa ra các chiến lược phòng ngừa và điều trị.

Không giống như các hình thức lạm dụng khác như thờ ơ, im lặng hay chứng kiến ​​bạo lực gia đình, các nhà nghiên cứu cho rằng, lạm dụng bằng lời nói thường “công khai” hơn và điều này “cần được đặc biệt chú ý”.

Giáo sư Shanta Dube, tác giả chính của nghiên cứu và giám đốc Chương trình Thạc sĩ Y tế Công cộng của Đại học Wingate cho biết: “Lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em cần được thừa nhận là một loại lạm dụng vì những hậu quả tiêu cực suốt đời”.

Nghiên cứu về tác động của việc người lớn (như cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên) la mắng trẻ cho thấy, tác động lâu dài của việc lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em có thể biểu hiện dưới dạng đau khổ về tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm và tức giận; các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài như phạm tội, sử dụng chất gây nghiện; và hậu quả về sức khỏe thể chất, chẳng hạn như phát triển bệnh béo phì hoặc bệnh phổi.

Jessica Bondy, người sáng lập Words Matter nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt “quy mô và tác động thực sự của việc lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em”.

Cô nói: “Người lớn đôi khi bị quá tải và nói những điều không chủ ý. Nhưng chúng ta phải tìm ra cách nhận biết những hành động này và chấm dứt việc lạm dụng bằng lời nói để trẻ em có thể phát triển”.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014 và bốn bài báo khác được trích dẫn trong nghiên cứu mới nhất, “sự thay đổi đáng kể về lạm dụng trẻ em có thể đang xảy ra”, vì tỷ lệ lạm dụng tin thần ở trẻ em đã tăng lên trong khi lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục đã giảm. 

Các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi “cần có sự nhất quán” trong việc xác định lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em để đánh giá mức độ phổ biến, tác động của nó và đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp.

Các nhà nghiên cứu khuyến khích người lớn tránh la hét, lăng mạ, hạ nhục hoặc gọi tên khi nói chuyện với trẻ, đồng thời nên suy nghĩ trước khi nói và dành thời gian để hàn gắn mối quan hệ với trẻ sau khi nói ra điều gì đó gây tổn thương.

Elizabeth Gershoff, giáo sư về phát triển con người và khoa học gia đình tại Đại học Texas ở Austin chia sẻ, quy tắc đầu tiên là không được chỉ trích khi la mắng. 

Cô nói thêm, việc xem xét tới đối tượng của những lời la mắng cũng rất quan trọng. Khi bị mắng, trẻ mới biết đi có thể chỉ tiếp thu sự thất vọng chứ không phải nội dung của tiếng la hét, trong khi một số trẻ lại phản ứng khác khi bị la mắng.

Bình luận