Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làm gì để thoát FA trong ngày Thất tịch?

(VOH) - Ngày 7/7 âm lịch hàng năm là ngày Thất Tịch. Nhiều người truyền tai nhau món ăn có thể giúp gặp được một nửa hạnh phúc, người có tình yêu sẽ giữ được tình bền chặt.

Vì sao có ngày Thất tịch?

Theo truyền thuyết thì Thất tịch là ngày duy nhất trong năm mà lũ quạ "dệt" cầu Ô Thước cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp lại nhau sau 1 năm xa cách.

Tương truyền rằng, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương đã dành được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Nhưng một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau một lần.

Vậy nên, lễ Thất Tịch còn được biết với tên gọi “Ông Ngâu bà Ngâu”. Và mới có câu: 'Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền' để nói về mối tình bi thảm này.

Trong ngày lễ được xem là Ngày tình nhân ở châu Á, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt, bền lâu.

thoát FA, Thất tịch, đậu đỏ, Ngưu Lang Chức nữ, cầu Ô Thước

Hình minh họa: internet

Vì sao lại ăn món ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch?

Bất kể có bao nhiêu dị bản đi chăng nữa thì vẫn có điểm chung trong tích về Ngưu Lang, Chức Nữ, là nam thanh nữ tú cùng nhau ước nguyện cầu duyên trong lễ Thất tịch. Những người lận đận đường tình thì mong tìm được ý trung nhân, còn các cặp đôi đến được với nhau thì cầu cho tình cảm thêm bền chặt, gắn bó.

Đậu đỏ trong tiếng Trung có nghĩa là "hồng đậu", hay còn gọi là đậu tương tư. Vậy nên theo quan niệm này, những thanh nam tú nữ cô đơn lẻ bóng thường ăn một bát chè đậu đỏ vào lễ Thất Tịch để nhanh chóng có đối tượng yêu đương. Ngày nay, có rất nhiều món ăn đậu đỏ khác nhau để lựa chọn, chứ không chỉ có chè thôi như bánh bao đậu đỏ, chè bánh lọt đậu đỏ, trà sữa đậu đỏ…

Ngày thất tịch, ăn đậu đỏ mà trời mưa được xem là điềm hên, vì quạ đã dệt xong cầu Ô Thước cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau, nghĩa là người cô đơn sẽ sớm gặp một nửa hạnh phúc đời mình. Vậy nên, nếu hôm nay có mắc mưa thì xem như đó là niềm vui!

Bình luận