Lăng trì tùng xẻo là gì? Những vụ án nổi tiếng bị xử lăng trì trong lịch sử!

(VOH) - Người chịu hình phạt lăng trì sẽ bị xẻo đi từng miếng thịt trên người, quá trình đó kéo dài và lập lại cho đến khi hắn ta thật sự chết…

Lăng trì (hay còn gọi là tùng xẻo, xử bá đao, bá đao trảm quyết) là một hình phạt tử hình được sử dụng ở Trung Quốc từ năm 900 đến năm 1905. Triều Tiên cũng là nơi từng áp dụng hình phạt tàn nhẫn này.

Lăng trì tùng xẻo là gì?

Lăng trì là phương thức hành quyết cực kỳ tàn độc, hình phạt này mang đến cái chết chậm rãi, từ từ nhưng đau đớn vô cùng. Thông qua tranh ảnh và những ghi chép cổ xưa, có thể hình dung phạm nhân chịu hình phạt lăng trì sẽ bị trói vào một cây cột, sau đó đao phủ lần lượt lóc đi từng mảng thịt trên người cho đến lúc hắn chết đi.

lang-tri-tung-xeo-la-gi-voh-4
Lăng trì là phương thức hành huyết cực kỳ tàn độc khiến tội nhân phải chịu nỗi đau kinh hoàng trước cái chết

Thông thường, phạm nhân sẽ bị lóc đi trên 3.000 miếng thịt và không được phép chết quá nhanh mà phải chịu dày vò, hình phạt kéo dài trong vòng 3 ngày.

Chính vì đây là hình phạt cực kỳ thống khổ nên nó được áp dụng đối với những tù nhân mang trọng tội như phản quốc, chống đối nhà vua, sát nhân, giết cha mẹ,… và được xem là một nhục hình, một hình thức lăng mạ man rợ.

Lịch sử hình phạt lăng trì

Được biết, hình phạt lăng trì có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện vào thời Ngũ đại Thập quốc (907 – 960), cho đến triều đại nhà Tống (960 – 1279) thì được áp dụng rộng rãi, và mãi đến gần cuối thời Mãn Thanh mới được dẹp bỏ hoàn toàn vào năm 1905.

Lăng trì từng được ghi lại trong các bộ luật, đầu tiên là ở Nhà Liêu còn gọi là nước Khiết Đan, một quốc gia không thuộc Trung Quốc, tồn tại 218 năm từ năm 907 đến năm 1125.

Xem thêm: Tục tuẫn táng, một trong những hủ tục tàn độc nhất nhì lịch sử Trung Hoa

Những vụ án nổi tiếng bị xử lăng trì trong lịch sử

“Hoàng đế đứng” – Thái giám Lưu Cẩn

Lưu Cẩn (1451-1510) là một thái giám thời nhà Minh, năm 6 tuổi ông được thái giám Lưu Thuận nhận nuôi và nhanh chóng tịnh thân để vào cung làm việc. Lưu Cẩn được phó thác hầu hạ Thái tử Chu Hậu Chiếu. Hiểu rõ cơ hội quý báu này hắn ra sức lấy lòng vị Thái tử lên 10, mưu đồ khi Thái tử đăng quang thì cũng có thêm chỗ chống lưng, quyền thế từ đó mà được củng cố. 

Đến năm 1505, Minh Hiếu Tông Hoàng đế qua đời vì bạo bệnh, Thái tử Chu Hậu Chiếu đăng cơ, trở thành Minh Vũ Tông đế. Được vua Minh Vũ Tông trọng dụng, Lưu Cẩn kết bè phái, áp bức dân chúng, tham ô, gây rối khắp nơi. Hắn đặt ra luật ngầm bắt các quan viên phải nộp bạc nếu không sẽ bị giáng chức, làm giả ngọc tỷ, cất giấu vũ khí,…

Tên thái giám này lộng hành đến mức có tin đồn khắp nơi rằng: “Hiện thời có hai vị Hoàng đế, một người họ Chu ngồi trên ngai vàng, một người họ Lưu đứng cạnh ngai vàng”, và vị "Hoàng đế đứng" này không ai khác chính là hắn - Lưu Cẩn.

Chứng kiến những việc làm độc ác của Lưu Cẩn, một thái giám cùng thời là Trương Vĩnh vô cùng căm phẫn, y điều tra và nắm mọi bằng chứng khiến Lưu Cẩn không còn đường chối cãi. Hoàng đế Chu Hậu Chiếu biết chuyện thì vô cùng tức giận ra lệnh xử lăng trì. Lưu Cẩn bị hành huyết 3.357 nhát trong 3 ngày trước khi chết.

lang-tri-tung-xeo-la-gi-voh-3
Đại thái giám Lưu Cẩn - Kẻ tác oai tác oái, lộng quyền thời nhà Minh

Một số ghi chép ghi lại rằng khi lục soát nhà Lưu Cẩn đã phát hiện hơn 250 vạn lượng vàng, hơn 5000 vạn lượng bạc cùng vô số loại châu báu quý giá, con số này ước tính gấp 6 lần quốc khố Minh triều lúc bấy giờ.

Nỗi oan của danh tướng Viên Sùng Hoán

Viên Sùng Hoán (1584 – 1630) là một danh tướng lẫy lừng, ông có xuất thân là một quan văn nhưng lại đam mê quân cơ, binh pháp.

Lúc bấy giờ, trong các cuộc chiến ở Liêu Đông, thủ lĩnh Nỗ Nhĩ Cáp Xích của tộc Nữ Chân liên tiếp đánh bại quân lính nhà Minh, khiến thế sự nhà Minh lao đao. Viên Sùng Hoán dâng tấu xin ra trận và bằng mưu trí, ông nhiều lần đánh bại binh lính tộc Nữ Chân, lật ngược tình thế. Cuối cùng thủ lĩnh Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau nhiều lần bại trận trước Viên Sùng Hoán đã ôm hận mà chết.

Hiểu được tình thế khó mà thắng lợi trên chiến trường, con trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực đã dùng kế ly gián. Điều đáng buồn là vua Sùng Trinh khi ấy lại tin vào gian thần, cho rằng Viên Sùng Hoán cấu kết với địch, mưu đồ tạo phản mà xuống chiếu xử lăng trì. Vị tướng tài chết oan với trên dưới 3.000 nhát chém, người nhà của ông bị lưu đày 3.000 dặm. Bách tính mà ông ra sức bảo vệ lại ra sức miệt thị, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống thân xác đã bị lăng trì của ông. Kết cục danh tướng Viên Sùng Hoán chỉ còn lại một phần thủ cấp.

Đối thủ lớn nhất trên chiến trường của Hoàng Thái Cực bị loại, vua Sùng Trinh không còn tướng tài ra trận, 14 năm sau thì nhà Minh diệt vong.

lang-tri-tung-xeo-la-gi-voh-2
Viên Sùng Hoán - Vị tướng tài có kết cục thảm hại vì oan tình

Sau 100 năm mang tiếng oan, đến thời nhà Thanh, Viên Sùng Hoán được vua Càn Long xuống chiếu minh oan. Trớ trêu thay vị Hoàng đế giúp ông rửa oan này lại chính là cháu 5 đời của Hoàng Thái Cực kẻ thù không đội trời chung với vị tướng tài năm xưa.

Phạm nhân cuối cùng bị xử lăng trì

Năm Quang Tự thời nhà Thanh, có một tên thổ phỉ biệt hiệu là Khang Bát thái gia, còn gọi là Khang Tiểu Bát, hay Ngô thốc tử (nghĩa là Ngô đầu trọc). Tên thổ phỉ này tập võ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại dùng cái nghệ của mình mà làm chuyện gian ác, cướp bóc, đánh người, trêu ghẹo phụ nữ,… Người dân trong vùng vô cùng oán giận nhưng không làm gì được.

Một hôm, Khang Tiểu Bát nghe tin có xe tiền của triều đình vận chuyển qua, hắn liền lên kế hoạch chặn đường cướp bóc. Thế nhưng chuyện liên quan đến triều đình là chuyện kinh thiên động địa. Để đối phó với Khang Tiểu Bát, Từ Hy Thái hậu đã dùng cách giang hồ để đối phó với thói giang hồ của hắn. Thái hậu cho mời hai vị đại hiệp nổi tiếng trên giang hồ lúc bấy giờ là Thượng Vân Tường và Mã Ngọc Đường đến để bắt Khang Tiểu Bát, chẳng bao lâu sau tên thổ phỉ bị bắt về quy án.

Ngu ngốc thay cho thói côn đồ, khi bị thẩm vấn tại sao lại cướp tiền của triều đình, tên thổ phỉ ngông cuồng lớn giọng: “Họ Khang ta đã làm thì phải làm chuyện kinh thiên động địa, nếu cướp thì phải cướp tiền quan, cưỡng bức thì phải là Thái hậu".

Cái miệng hại cái thân, câu nói này đã mang đến tai vạ cho Khang Tiểu Bát, Từ Hy Thái hậu nổi trận lôi đình hạ lệnh lăng trì hắn đến chết với số đao càng nhiều càng tốt.

lang-tri-tung-xeo-la-gi-voh
Chọc giận Từ Hy Thái hậu, Khang Tiểu Bát nhận cái kết không thể nào đắng hơn

Năm 1905, Khang Tiểu Bát bị lăng trì 3.784 nhát, vượt qua quy định 3.600 đao của nhà Thanh, đồng thời hắn cũng là phạm nhân cuối cùng bị xử phạt bằng hình thức hành quyết man rợ này.

Nguồn ảnh: Internet